Lòng biết ơn thuộc phạm trù cảm xúc - xã hội, là thuộc tính cá nhân quan trọng, giúp hình thành, phát triển toàn diện nhân cách của con người. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lòng biết ơn đã xuất hiện ở trẻ mầm non. Đây là thời điểm thuận lợi để giáo dục lòng biết ơn cho trẻ với các phương thức khác nhau. Bằng cách hồi cứu tài liệu liên quan, bài viết trình bày khái quát kết quả nghiên cứu trên thế giới về giáo dục lòng biết ơn cho trẻ mầm non, từ đó định hướng một số vấn đề cần quan tâm ở các nghiên cứu tiếp theo.
Năng lực giao tiếp và hợp tác là một nhóm năng lực quan trọng được xem là một trong những giải pháp chủ yếu để con người chung sống, phát triển. Hình thành và phát triển nhóm năng lực này về bản chất là phát triển khả năng làm việc nhóm, khả năng tổ chức, quản lí, tương tác và làm chủ các mối quan hệ. Việc nghiên cứu năng lực giao tiếp và hợp tác là hoạt động quan trọng để thúc đẩy phát triển năng lực này. Trong bài viết này, nhóm tác giả đưa ra các nhận định của giáo viên trung học cơ sở về hoạt động giáo dục cũng như thực tiễn triển khai dạy học có hướng đến phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác cho học sinh thông qua môn Khoa học tự nhiên. Bước đầu làm cơ sở triển khai nghiên cứu và xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực giao tiếp và hợp tác.
Dạy học tích hợp liên môn là một trong những xu hướng dạy học của nền giáo dục hiện đại. Nội dung học tập được thiết kế thành một chuỗi vấn đề, tình huống. Theo đó, người học phải huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học. Nghiên cứu này đã khảo sát thực trạng dạy học tích hợp liên môn của đội ngũ giáo viên trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Dựa trên phương pháp nghiên cứu lí luận, bài viết tiến hành thu thập, phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa, khái quát hóa tư liệu khoa học về kĩ năng quan sát của trẻ 5-6 tuổi theo 4 hướng nghiên cứu: 1/ Vai trò của quan sát và kĩ năng quan sát trong hoạt động nhận thức của trẻ 5-6 tuổi; 2/ Đặc điểm kĩ năng quan sát của trẻ 5-6 tuổi; 3/ Phương thức giáo dục kĩ năng quan sát cho trẻ 5-6 tuổi; 4/ Các yếu tố ảnh hưởng đến kĩ năng quan sát của trẻ 5-6 tuổi. Kết quả nghiên cứu góp phần đưa ra cái nhìn tổng quát về kĩ năng quan sát của trẻ 5-6 tuổi đã được các nhà khoa trong và ngoài nước nghiên cứu và đề cập. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu sẽ có những đóng góp nhất định cho những nghiên cứu sau này trong việc đề xuất, bổ sung, phát triển và hoàn thiện những mục tiêu, nội dung, biện pháp... nhằm phát triển kĩ năng quan sát cho trẻ mầm non nói chung và trẻ 5-6 tuổi nói riêng.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, các tổ chức giáo dục, trong đó có các trường trung học phổ thông, cần phải thực hiện sự thay đổi toàn diện này. Mô hình hoạt động của các trường trung học phổ thông phải chuyển sang trạng thái mà mọi hoạt động đều được ứng dụng các công nghệ kĩ thuật số. Để thực hiện được quá trình này, sự thay đổi về mặt hành vi của đội ngũ giáo viên đóng vai trò cốt yếu. Tuy nhiên, vấn đề về đánh giá sự sẵn sàng về mặt tâm lí của đội ngũ giáo viên trung học phổ thông cho quá trình này ở Việt Nam lại chưa được quan tâm. Do vậy, nghiên cứu này đã tiến hành thực hiện phát triển thang đo về sự sẵn sàng cho chuyển đổi số của trường trung học phổ thông Việt Nam dựa trên quy trình được đề xuất bởi Mackenzie và cộng sự. Kết quả của quá trình này đã đưa ra được một thang đo đánh giá bao gồm 05 yếu tố và 30 biến quan sát. Đây sẽ là một trong những công cụ hữu ích để đánh giá mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số của trường trung học phổ thông Việt Nam, từ đó các cấp quản lí, các bên liên quan có những giải pháp phù hợp để nâng cao mức độ sẵn sàng cho trường trung học phổ thông để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số.
Nhóm trẻ rối loạn phát triển luôn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc và giáo dục bởi ngoài những khó khăn đặc thù về khiếm khuyết, các em còn luôn kèm theo các vấn đề liên quan đến các rối loạn khác liên quan đến các vấn đề về hành vi, giấc ngủ... Những người chăm sóc và cha mẹ của các trẻ này cũng vì thế mà luôn phải đối mặt với những vấn đề thường xuyên đó của các em và những điều này khiến người chăm sóc luôn gặp những rắc rối về tâm lí, ảnh hưởng đến chính bản thân họ và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng can thiệp tới trẻ. Do vậy, chương trình can thiệp muốn hiệu quả không chỉ nhằm tập trung hỗ trợ can thiệp trực tiếp tới trẻ rối loạn phát triển mà cần thiết phải có các biện pháp hỗ trợ tâm lí cha mẹ phù hợp, giúp cha mẹ có sức khỏe tâm thần khoẻ mạnh, từ đó góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng can thiệp tới các trẻ rối loạn phát triển. Bài viết tổng hợp kết quả nghiên cứu khảo sát trên 79 cha mẹ trẻ rối loạn phát triển để có cơ sở đề xuất một số chiến lược hỗ trợ tâm lí cho cha mẹ trong quá trình can thiệp trẻ rối loạn phát triển.
Trong chạy cự li trung bình (1500m), sức bền chuyên môn là yếu tố quan trọng, quyết định đến thành tích chạy 1500m. Bởi vì, trong nội dung này người tập phải chịu sự mệt mỏi, căng thẳng của thần kinh do lượng a-xít lactic trong máu tăng... đặc biệt là ở cuối cự li. Do đó, sức bền chuyên môn tốt thì khả năng chống chịu lại mệt mỏi sẽ tốt. Mặt khác, năng lượng cung cấp cho chạy 1500m ở cả hai hệ ưa khí và yếm khí. Vì thế, quá trình huấn luyện đòi hỏi giáo viên - huấn luyện viên phải sử dụng đa dạng các loại bài tập và chiến thuật thi đấu khác nhau, trong đó việc phát triển sức bền chuyên môn là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Kết quả nghiên cứu là cơ sở dữ liệu quan trọng trong giảng dạy và huấn luyện chạy 1500m cho các trường trung học phổ thông.
Cơ sở vật chất trong các cơ sở giáo dục mầm non là một trong các điều kiện để thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non. Đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở vật chất của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập là một việc làm quan trọng và cần thiết. Tiêu chuẩn cơ sở vật chất là các quy định về diện tích đất/diện tích phòng/nhóm và quy cách đối với các cơ sở vật chất khác nhau trong khuôn viên và các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu bên trong các phòng/lớp của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập đó đảm bảo điều kiện cho việc vận hành cơ sở giáo dục mầm non độc lập, nhằm thực hiện các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo Chương trình Giáo dục mầm non. Bài viết sử dụng phương pháp hồi cứu tư liệu và phương pháp nghiên cứu lí luận nhằm đề xuất quy trình xây dựng tiêu chuẩn cơ sở vật chất từ việc phân tích bối cảnh của việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở vật chất nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; Biên soạn dự thảo tiêu chuẩn cơ sở vật chất; Lấy ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo tiêu chuẩn; Thẩm định tiêu chuẩn tiêu chuẩn; Công bố tiêu chuẩn; Xuất bản và phát hành tiêu chuẩn cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.
Hệ thống lí luận và thực tiễn về dạy học theo tiếp cận năng lực đã khẳng định rằng, đây là hướng tiếp cận có thể bảo đảm cho giáo dục đại học nói chung, giáo dục đại học trong quân đội nói riêng đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, quân đội. Bài viết trình bày thực trạng dạy học môn Giáo dục học quân sự ở 5 trường đại học trong quân đội theo tiếp cận năng lực, gồm: nhận thức về sự phù hợp của dạy học môn Giáo dục học quân sự theo tiếp cận năng lực; thiết kế bài học theo tiếp cận năng lực; sử dụng phương pháp dạy học theo tiếp cận năng lực và kết quả hình thành năng lực sư phạm quân sự cho học viên thông qua dạy học môn Giáo dục học quân sự ở các trường đại học trong quân đội. Qua phân tích thực trạng, bài viết sử dụng kiểm định Independent Sample T-test để đánh giá sự khác biệt giữa ý kiến của cán bộ quản lí, giảng viên và học viên về các nội dung khảo sát.
Bài viết tập trung vào việc nghiên cứu sự hài lòng của sinh viên đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên tiếng Anh tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông. Phương pháp nghiên cứu sử dụng trong bài viết là khảo sát trực tiếp 200 sinh viên tại trường. Kết quả của nghiên cứu được phân tích và tổng hợp để đánh giá mức độ hài lòng của sinh viên đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên tiếng Anh tại trường. Kết quả này cung cấp thông tin quan trọng về những điểm mạnh và điểm yếu của giảng viên tiếng Anh, từ đó đề xuất các giải pháp để nâng cao sự hài lòng và hiệu quả học tập của sinh viên.