Nguồn lực có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển giáo dục mầm non. Nếu nguồn lực không đảm bảo, giáo dục mầm non không thể phát triển một cách vững chắc. Nguồn lực phát triển giáo dục mầm non không tự nhiên mà có mà cần được huy động. Để huy động nguồn lực một cách có hiệu quả, phải có chiến lược và cách tiếp cận sáng tạo; đồng thời phải tăng cường quản lí việc thực hiện hoạt động này. Bài báo tổng quan các nghiên cứu trong nước và ngoài nước về các vấn đề: Huy động nguồn lực phát triển giáo dục, huy động nguồn lực phát triển giáo dục mầm non, quản lí huy động nguồn lực phát triển giáo dục mầm non. Tổng quan các nghiên cứu về huy động nguồn lực và quản lí huy động nguồn lực phát triển giáo dục mầm non là rất cần thiết nhằm xác định những vấn đề cần tiếp thu và những nội dung cần tập trung nghiên cứu giải quyết, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non ở nước ta đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Giáo dục công dân có quan điểm, mục tiêu và yêu cầu xây dựng chương trình theo hướng đảm bảo tính khoa học, đổi mới, mở và hiện đại, nhằm hình thành 5 phẩm chất và 3 năng lực đặc thù cho học sinh. Môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật là khâu đột phá trong đổi mới chương trình khi những kiến thức kinh tế và giáo dục kinh doanh được đưa vào chương trình phổ thông nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm, từ xa đáp ứng yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực của đất nước trong bối cảnh mới. Vì vậy, năng lực khởi nghiệp cũng có thể xem như là một năng lực đặc thù của môn học. Trong phạm vi bài viết, tác giả làm rõ về các chủ đề môn học gắn với năng lực khởi nghiệp và lưu ý việc đổi mới tích cực quá trình dạy học môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật để phát triển năng lực khỏi nghiệp cho học sinh ở các trường phổ thông hiện nay.
Những biến đổi lớn trong giáo dục hiện đại không chỉ mang lại cơ hội cải thiện chất lượng giảng dạy mà còn đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu đội ngũ giáo viên không ngừng nâng cao kiến thức và kĩ năng công nghệ. Dựa trên phương pháp tổng hợp và phân tích tài liệu, bài viết này nghiên cứu sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời đánh giá tác động của AI đối với việc đào tạo và phát triển năng lực của giáo viên. Thông qua việc tổng hợp các mô hình đào tạo và kĩ năng ứng dụng AI được triển khai trên thế giới, bài viết đề xuất một khung năng lực AI dành cho giáo viên, nhấn mạnh việc đảm bảo các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, bao gồm bảo mật thông tin, quyền riêng tư của học sinh, tính công bằng trong đánh giá và sự minh bạch trong việc sử dụng dữ liệu học tập. Bên cạnh đó, bài viết phân tích những thách thức và thành công trong việc tích hợp AI vào giáo dục, từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả, tính bền vững và tính nhân văn của việc ứng dụng AI trong đào tạo giáo viên. Qua đó, góp phần xây dựng một môi trường giáo dục số hóa vừa hiện đại, vừa đảm bảo các giá trị đạo đức cốt lõi.
Phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập được xem là con đường bảo đảm công bằng, tăng cơ hội học tập cho trẻ em. Bài báo chỉ ra thực trạng chính sách phát triển giáo dục mầm non, mức độ đáp ứng với trẻ em, giáo viên mầm non ngoài công lập. Nghiên cứu được thực hiện qua thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin bằng phiếu hỏi, thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu với đại điện cha mẹ trẻ, cán bộ quản lí, giáo viên mầm non ngoài công lập tại tỉnh Bình Dương, Hải Dương, Hà Nội và Đà Nẵng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra mức độ đáp ứng chính sách ở địa phương, khó khăn trong triển khai thực hiện, kì vọng của cha mẹ trẻ và đội ngũ giáo dục mầm non ngoài công lập... Để phát triển chính sách giáo dục mầm non ngoài công lập hiệu quả và bền vững cần xây dựng các giải pháp linh hoạt, giảm rào cản, thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận với giáo dục mầm non có chất lượng, đảm bảo hơn nữa sự công bằng, bình đẳng trong chăm sóc, giáo dục trẻ.