Bài viết tập trung vào việc nghiên cứu sự hài lòng của sinh viên đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên tiếng Anh tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông. Phương pháp nghiên cứu sử dụng trong bài viết là khảo sát trực tiếp 200 sinh viên tại trường. Kết quả của nghiên cứu được phân tích và tổng hợp để đánh giá mức độ hài lòng của sinh viên đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên tiếng Anh tại trường. Kết quả này cung cấp thông tin quan trọng về những điểm mạnh và điểm yếu của giảng viên tiếng Anh, từ đó đề xuất các giải pháp để nâng cao sự hài lòng và hiệu quả học tập của sinh viên.
Dạy thêm, học thêm là một hiện tượng xã hội đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đây là vấn đề nóng, luôn được dư luận xã hội quan tâm và vẫn là bài toán khó cho các nhà quản lí giáo dục Việt Nam. Từ một phần kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu đánh giá tác động của dạy thêm, học thêm đến việc dạy và học trong nhà trường phổ thông”, bài viết đã khái quát lên bức tranh chung về thực trạng, xu thế của việc dạy thêm, học thêm tại Việt Nam và một số nước trên thế giới trong bối cảnh kinh tế, xã hội khác nhau qua những nghiên cứu đã được thực hiện về vấn đề này. Từ đó, nhóm tác giả tổng hợp các quan điểm đánh giá về những tác động của dạy thêm, học thêm ở cả góc độ tích cực và tiêu cực đối với học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và xã hội. Đây là tiền đề, là cơ sở thực tiễn vững chắc để nhóm tác giả tiếp tục thực hiện những nghiên cứu tiếp theo, từ đó có những đề xuất về giải pháp cho dạy thêm, học thêm ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Môi trường học tập là vấn đề mà giáo dục hiện đại rất quan tâm bởi những tác động mạnh mẽ của nó đến hiệu quả giáo dục nói chung và hoạt động dạy và học nói riêng. Việc nhận thức đúng đắn về môi trường học tập trong nhà trường là cơ sở quan trọng để xây dựng và phát huy vai trò của nó. Nghiên cứu tiến hành tại Trường Đại học Quy Nhơn với khách thể nghiên cứu là cán bộ quản lí giáo dục, sinh viên ngành Sư phạm Giáo dục tiểu học và giảng viên tham gia giảng dạy ngành này đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức về khái niệm, vai trò, cấu trúc và yêu cầu của môi trường học tập trong nhà trường về cơ bản đã được đảm bảo. Tuy nhiên, một số vai trò quan trọng của môi trường học tập trong nhà trường chưa được nhìn nhận đúng mức cần được điều chỉnh.
Chương trình Giáo dục phổ thông (2018) đòi hỏi phải thay đổi cách dạy học chuyển từ dạy học định hướng nội dung sang dạy học định hướng phát triển năng lực cho học sinh. Do đó, việc sử dụng những công nghệ mới và áp dụng các mô hình dạy học hiện đại trong giáo dục là một xu hướng tất yếu. Bằng phương pháp nghiên cứu lí thuyết, bài viết tập trung vào các mô hình dạy học kết hợp. Bên cạnh đó, bài viết xác định vai trò của Google classroom như công cụ hỗ trợ trong dạy học kết hợp và đề xuất tổ chức một số hoạt động dạy học trong bài “Núi lửa và động đất” sách giáo khoa Địa lí lớp 6 theo mô hình dạy học kết hợp.
Dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược là một trong những phương pháp tổ chức dạy học kết hợp (Blended learning) phương thức học tập điện tử (E-Learning) với phương thức dạy - học truyền thống. Theo đó, người dạy và người học cùng có mặt nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo và chất lượng giáo dục. Bài viết nghiên cứu vận dụng mô hình lớp học đảo ngược vào thiết kế, tổ chức dạy học nội dung thực hành kiến thức tiếng Việt nhằm phát triển năng lực dạy học thực hành kiến thức tiếng Việt cho sinh viên ngành Giáo dục tiểu học trong các trường sư phạm. Việc vận dụng mô hình lớp học đảo ngược trong dạy học thực hành kiến thức tiếng Việt cho sinh viên không chỉ tạo cho sinh viên sự chủ động, tích cực, hứng thú trong học tập mà còn góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao hiệu quả học tập, giúp rèn luyện, phát triển cho sinh viên năng lực dạy học nói chung và năng lực dạy học thực hành kiến thức tiếng Việt nói riêng.
Thói quen tư duy hữu hình là một trong những yếu tố góp phần quan trọng giúp người học trở thành người học hiệu quả, người nhận thức đầy đủ về quá trình học tập của chính mình và có thể quản lí cách các em suy nghĩ và học tập. Bài viết nhằm giới thiệu và phân tích khái niệm tư duy, tư duy hữu hình và thói quen tư duy hữu hình. Bài viết nêu bật một số lợi ích mà giáo viên và học sinh có thể có được trong quá trình sử dụng tư duy hữu hình trong lớp học, đồng thời giới thiệu việc đưa thói quen tư duy hữu hình vào giờ học tiếng Anh. Bài viết kết thúc với một số gợi ý để áp dụng tốt hơn các thói quen tư duy hữu hình trong lớp học tiếng Anh.
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã buộc nền giáo dục trên thế giới cũng như tại Việt Nam phải chuyển hoạt động dạy học sang phương pháp trực tuyến. Dạy học trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến ở mọi cấp học và được công nhận là phương pháp học thiết yếu bên cạnh phương pháp học truyền thống (trực tiếp trên lớp) tiến tới kỉ nguyên số trong giáo dục. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động dạy học trực tuyến của học sinh lớp 5 cũng như công tác quản lí hoạt động dạy học trực tuyến của học sinh lớp 5 tại các trường tiểu học quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội. Dạy học trực tuyến không phải là phương thức tình thế mà trong thời gian đại dịch, do đó kết quả nghiên cứu còn có ý nghĩa rút ra những kinh nghiệm cho việc triển khai phương thức này trong tương lai.
Đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, là nơi gửi gắm niềm tin của xã hội, là điểm tựa tinh thần cho sự phát triển toàn diện của các thế hệ học sinh. Công cuộc này sẽ hiệu quả hơn nếu sinh viên các trường sư phạm được trang bị lí tưởng nghề giáo ngay từ những năm đầu tiên hay tạo ra một kênh thông tin cho thí sinh chọn nghề. Nhằm góp thêm tiếng nói về vấn đề này, chúng tôi đã tổ chức nghiên cứu định lượng với 689 mẫu để đánh giá mục đích theo học và quan điểm nghề giáo của sinh viên sư phạm vùng Tây Bắc. Từ đó, định hướng một số giải pháp trong đào tạo sinh viên sư phạm ở các trường đào tạo giáo viên hiện nay.
Nghiên cứu này đánh giá công tác quản lí hoạt động trải nghiệm môn Khoa học tự nhiên theo định hướng giáo dục STEM ở trường trung học cơ sở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Nội dung nghiên cứu xoay quanh vấn đề về thực trạng xác định ý nghĩa và chủ thể quản lí hoạt động trải nghiệm; về thực hiện các chức năng quản lí gồm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra đánh giá của hiệu trưởng trong việc tổ chức hoạt động trải nghiệm môn Khoa học tự nhiên theo định hướng giáo dục STEM. Trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát, tác giả tiến hành phân tích, đánh giá và rút ra những ưu điểm, hạn chế và những khó khăn mà cán bộ quản lí ở trường trung học cơ sở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang gặp phải trong quá trình tổ chức hoạt động trải nghiệm môn Khoa học tự nhiên theo định hướng giáo dục STEM. Kết quả nghiên cứu là cơ sở thực tiễn để đánh giá mức độ triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh ở trường phổ thông.
Hội đồng trường của trường đại học chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động và huy động nguồn lực cho trường đại học. Ngoài ra, hội đồng trường còn thực hiện giám sát các hoạt động của trường đại học, gắn trường đại học với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện các mục tiêu giáo dục và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học, góp phần quan trọng và quyết định đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong giáo dục - đào tạo đại học, bảo đảm công bằng xã hội trên cơ sở phát huy cao nhất về vai trò và về những ưu điểm nổi trội trong hoạt động của hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. Trong bài, tác giả đi sâu tìm hiểu và đánh giá thực trạng về hội đồng trường của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. Từ đó, đưa ra một số giải pháp nhằm pháp nhằm thúc đẩy hoạt động hiệu quả của hội đồng trường của các trường đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo đại học ở Việt Nam trong hiện tại và tương lai.