Danh sách bài viết

Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 695
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta ở giai đoạn hiện nay. Một trong những nhân tố quan trọng quyết định thành công nhiệm vụ này chính là vai trò của người thầy. Người thầy trong mọi thời đại đều luôn phải đảm bảo trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp. Có như vậy, mới có thể góp phần hoàn thành nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới. Bài viết, giới thiệu quan điểm, tư duy và hành động người thầy cần có trong giai đoạn hiện nay thông qua chín bộ ba.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,758
Được đi học là quyền của tất cả trẻ em Việt Nam và xã hội cần đáp ứng nhu cầu cơ bản và chính đáng đó. Trong thực tế, với một số ít trẻ em, đôi khi chưa nhận được sự chào đón của các nhà trường hoặc các em chưa thực sự được trải nghiệm cảm giác an toàn, thoải mái, tự tin khi tham gia các hoạt động ở trường học và được phát triển bản thân. Thống kê về giáo dục cho thấy, nhóm trẻ em thiệt thòi nói trên đang tập trung chủ yếu ở con em các hộ gia đình nghèo, học sinh là dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật - được gọi chung là “nhóm yếu thế”. Vấn đề đặt ra là liệu có đang tồn tại những “rào cản” khi các em tiếp cận với giáo dục hay không? Đồng thời, có những cản trở gì trong tiếp nhận sự quan tâm, bảo trợ để các em có thể hoà nhập trong môi trường thân thiện và an toàn? Bài viết phân tích và nhận diện vấn đề nêu trên, từ đó đưa ra phương hướng khắc phục, tháo gỡ.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,403
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm cho giáo dục trên toàn thế giới cũng như Việt Nam phải chuyển hoạt động dạy và học sang phương thức trực tuyến. Việc dạy học trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến ở mọi cấp học và đang được thừa nhận một cách chính thức như là một phương thức học tập cốt yếu bên cạnh phương thức học tập truyền thống (mặt đối mặt trên lớp) để thực hiện tiến đến thời đại số hóa trong giáo dục. Tuy nhiên, trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc dạy học trực tuyến chưa được triển khai đồng bộ, bài bản, nhất là trong công tác quản lí. Do đó, vấn đề quản lí dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học lại càng cần được quan tâm như một vấn đề không chỉ là cho tình huống khẩn cấp mà còn cho lâu dài về sau. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng bộ công cụ và thực hiện khảo sát đối với đội ngũ giáo viên các trường tiểu học tại một số tỉnh/ thành phố trên cả nước để xác định thực trạng quản lí hoạt động dạy học trực tuyến trong bối cảnh giãn cách xã hội, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lí này. Các kết quả của nghiên cứu này sẽ là cơ sở tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lí trường tiểu học, giáo viên trong việc thực hiện dạy học và quản lí hoạt động dạy học trực tuyến trong nhà trường hướng đến nâng cao chất lượng dạy và học.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,689
Đội ngũ giảng viên luôn được coi là nhân tố quan trọng, quyết định đến chất lượng đào tạo của trường đại học. Bài viết tập trung nghiên cứu cơ sở lí luận, chính sách về tự chủ đại học, phát triển đội ngũ giảng viên và thực tiễn tại Trường Đại học Tây Nguyên. Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu lí luận, tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật; phương pháp thu thập số liệu sơ cấp và thứ cấp; phương pháp phỏng vấn sâu và phương pháp thống kê, phân tích xử lí số liệu. Với thang đo Likert 5 bậc, bài viết tiến hành khảo sát 103 cán bộ quản lí, 341 giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên. Kết quả cho thấy, công tác quy hoạch và tuyển dụng được đánh giá thực hiện ở mức “Trung bình”, còn nội dung đào tạo, đánh giá, quản lí và chính sách đội ngũ giảng viên được thực hiện ở mức “Tốt”. Ý nghĩa thực tiễn này sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học xây dựng giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên phù hợp.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 894
Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lí giáo dục cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí trường mầm non, phổ thông là yêu cầu quan trọng trong công tác cán bộ. Nâng cao năng lực quản lí, quản trị cho cán bộ quản lí trong các trường học, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay. Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường...”, đội ngũ cán bộ quản lí trường mầm non, phổ thông cần nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng năng lực quản lí, quản trị nhà trường, chủ động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học, từng bước tiến tới tự chủ tự chịu trách nhiệm chất lượng giáo dục trước xã hội.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,039
Ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế và triển khai hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo có những lợi ích nhất định đối với công tác chuyên môn của giáo viên mầm non, nhằm hỗ trợ cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ mẫu giáo. Tuy nhiên, kĩ năng này của giáo viên mầm non vẫn còn một số hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, các chương trình bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin còn tập trung vào mục đích quản lí lớp học, lập kế hoạch giáo dục... chưa chuyên sâu vào ứng dụng công nghệ thông tin để thiết kế và triển khai các hoạt động giáo dục cho trẻ. Do đó, giáo viên mầm non vẫn có nhu cầu được bồi dưỡng thêm về nội dung này. Bài viết trình bày các biện pháp bồi dưỡng kĩ năng này cho giáo viên mầm non nhằm đảm bảo khắc phục hạn chế trong thực tiễn cũng như tạo điều kiện để giáo viên có thể tự học ở mọi lúc, mọi nơi.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,406
Năng lực thực hành thí nghiệm Hóa học là một trong những năng lực đặc thù quan trọng cần thiết của người giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông. Việc đào tạo sinh viên theo tiếp cận năng lực có nhiều quan điểm thực hiện khác nhau và Trường Đại học Vinh đã tiến hành đào tạo sinh viên theo tiếp cận CDIO nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội từ năm học 2017 - 2018. Việc chuyển đổi phương thức đào tạo tại Trường Đại học Vinh được áp dụng đối với tất cả các ngành học trong đó có ngành Sư phạm Hóa học. Tuy nhiên, thực trạng các năng lực thực hành thí nghiệm Hóa học của sinh viên hiện nay ở Trường Đại học Vinh đang là vấn đề được quan tâm. Bài viết nghiên cứu thực trạng các năng lực thực hành thí nghiệm Hóa học của sinh viên ngành Sư phạm Hóa học ở Trường Đại học Vinh theo tiếp cận CDIO, từ đó tiếp tục đề xuất các giải pháp phù hợp, làm nền tảng cho việc đánh giá các năng lực thực hành thí nghiệm Hóa học theo tiếp cận CDIO cũng như tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành Sư phạm Hóa học.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 801
Trước yêu cầu quan trọng và đặc biệt cần thiết về vấn đề nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đối tượng học sinh đang học tập tại các trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, tác giả nghiên cứu tình hình thực tế, từ đó đề xuất đưa các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng khi giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân. Từ những giải pháp và đề xuất, tác giả mong muốn rằng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 630
Đánh giá được coi là một trong những yếu tố trung tâm và quan trọng trong giáo dục. Với xu thế đổi mới giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực, đánh giá sẽ không còn tập trung vào mục tiêu xếp loại mà cần chú trọng đến khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống thực tế, hướng đến việc xác định triển vọng và đóng góp của học sinh trong tương lai. Bài viết giới thiệu một số nghiên cứu về đánh giá xác thực (Authentic Assessment), từ đó đề xuất quy trình, xây dựng mẫu đánh giá xác thực trong môn Toán cấp Trung học cơ sở, góp phần đổi mới cách đánh giá trong dạy, học Toán ở Việt Nam.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,381
Bài viết nêu lên thực trạng một số yếu tố ảnh hưởng đến dạy học trực tuyến của giáo viên trung học phổ thông tại Hà Nội thông qua khảo sát 106 giáo viên bằng phiếu hỏi, phỏng vấn sâu 02 giáo viên và tọa đàm 10 học sinh ở cả khu vực ngoại thành và nội thành Hà Nội. Kết quả nghiên cứu thực trạng cho thấy, mẫu khảo sát đa dạng và mang tính đại diện cho hầu hết các giáo viên trung học phổ thông tại địa bàn Hà Nội, từ giới tính, dân tộc, khu vực, trình độ đào tạo, thâm niên nghề nghiệp đến kinh nghiệm dạy học trực tuyến. Từ kết quả nghiên cứu thực trạng, bài viết nêu lên 03 yếu tố: Cá nhân, học sinh và điều kiện truy cập là những yếu tố chính ảnh hưởng đến việc dạy học trực tuyến của giáo viên trung học phổ thông hiện nay. Bên cạnh đó, bài viết cũng phân tích được một số yếu tố ảnh hưởng tốt và một số yếu tố ảnh hưởng không tốt đến việc dạy học trực tuyến của giáo viên trung học phổ thông, từ đó đề xuất 05 giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến trong các trường trung học phổ thông trong thời gian tiếp theo.