Danh sách bài viết

Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,653
Giáo dục giá trị văn hóa có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Với ý nghĩa đó, làm thế nào để giáo dục giá trị văn hóa một cách hiệu quả trong giai đoạn mới là một vấn đề được quan tâm. Bài viết đề xuất một số giải pháp giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bao gồm: Giáo dục giá trị văn hóa trong một số môn học và hoạt động trải nghiệm; giáo dục thông qua một số chủ đề tích hợp liên môn; giáo dục thông qua tổ chức các hoạt động giáo dục khác…
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 970
Việc trang bị và rèn luyện cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh có được khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và hiệu quả trong thực tế và nhiều tình huống xã hội khác nhau đối với các cơ sở giáo dục đại học là cần thiết. Yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay là cần thiết có mô hình năng lực giao tiếp phù hợp để có thể triển khai trong các chương trình đào tạo trên. Trên cơ sở tham khảo và tiếp cận các mô hình năng lực giao tiếp đã và đang được nghiên cứu và áp dụng trên thế giới, trong bối cảnh và điều kiện thực tiễn của Việt Nam, nhóm tác giả đã đề xuất mô hình năng lực giao tiếp gồm 4 năng lực thành phần chính đó là: năng lực ngữ pháp, năng lực diễn ngôn, năng lực văn hóa xã hội, năng lực công nghệ thông tin và truyền thông. Hi vọng với mô hình do nhóm tác giả đề xuất sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành và nâng cao năng lực giao tiếp cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, đồng thời đáp ứng được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ đại học trong giai đoạn hiện nay
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,738
Đại dịch COVID-19 đã tác động toàn diện và sâu sắc đến giáo dục Việt Nam. Để ứng phó với đại dịch, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức dạy học trực tuyến liên tục trong thời gian dài. Trong tình huống này, giáo viên cũng phải thay đổi các hoạt động từ lập kế hoạch, tổ chức giảng dạy, đánh giá để thích ứng với môi trường dạy học trực tuyến. Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng dạy học trực tuyến của giáo viên trên các phương diện từ điều kiện dạy học, thực tiễn triển khai đến đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến.Kết quả khảo sát được phân tích dựa trên phần trả lời phiếu hỏi của 95.359 giáo viên phổ thông ở 63 tỉnh/thành trên cả nước. Trên cơ sở phân tích những ưu, nhược điểm từ thực tiễn triển khai, nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến, tăng cường khả năng thích ứng của giáo viên trong các bối cảnh linh hoạt.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 703
Chương trình tín dụng cho sinh viên là một hình thức chia sẻ chi phí trong giáo dục đại học đã và đang được áp dụng rất phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở hầu hết các quốc gia, chương trình do nhà nước quản lí luôn chiếm vị trí chủ đạo. Do vậy, vai trò quản lí của nhà nước đối với chính sách tài chính này là vô cùng quan trọng. Trong hệ thống quản lí đó, ngành Giáo dục được minh chứng là có đóng góp lớn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, trong hệ thống quản lí chương trình tín dụng cho sinh viên của Nhà nước, vai trò của ngành Giáo dục chưa được phát huy nhiều. Vì vậy, việc tìm hiểu những kết quả nghiên cứu, những kinh nghiệm quản lí chương trình của các quốc gia khác, trong đó đánh giá vai trò của quản lí giáo dục là cần thiết để đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam. Nghiên cứu này làm sáng tỏ một số vấn đề về nội dung quản lí chương trình tín dụng cho sinh viên được triển khai tại Thái Lan - quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, tổ chức được chương trình tín dụng cho sinh viên của nhà nước sớm hơn Việt Nam gần 10 năm, từ đó so sánh với mô hình quản lí chương trình tại Việt Nam và rút ra bài học cho Việt Nam về phát huy vai trò của ngành Giáo dục trong hệ thống quản lí chương trình.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,385
Bài viết đã đưa ra quan niệm về mô hình dạy học kết hợp trên cơ sở nghiên cứu quan niệm mô hình dạy học ở trong nước và trên thế giới. Đồng thời, tác giả tìm hiểu và phân tích một số mô hình dạy học kết hợp phổ biến trên thế giới. Từ đó, bài viết đưa ra một số đề xuất để vận dụng mô hình dạy học kết hợp vào điều kiện thực tiễn của nhà trường tiểu học ở Việt Nam nhằm đáp ứng bối cảnh, đổi mới cách dạy cách học, đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 852
Trong xu hướng dạy và học tích cực ngày nay, giáo viên đóng vai trò là người dẫn dắt, định hướng, tổ chức để học sinh chủ động tích cực tham gia vào quá trình chiếm lĩnh tri thức. Để thực hiện tốt vai trò tổ chức của mình, giáo viên phải thường xuyên thiết kế những tình huống dạy học để dẫn dắt học sinh huy động kiến thức có sẵn, biến đổi đối tượng cần nghiên cứu sang đối tượng mới để có thể sử dụng vốn tri thức đã có giải quyết vấn đề nghiên cứu một cách hiệu quả. Thực chất chính là việc học sinh thực hiện liên tiếp các hoạt động nhận thức gắn liền với quá trình thích nghi trong việc hình thành sơ đồ nhận thức mới. Bài báo nghiên cứu những biểu hiện của thích nghi trí tuệ qua cách tiếp cận các tình huống dạy học tích cực trong dạy học Toán.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,117
Phát triển nghề nghiệp là yêu cầu tất yếu và bắt buộc đối với hầu hết các ngành nghề trong xã hội, đặc biệt là với lĩnh vực giáo dục. Hoạt động bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông trong thời gian qua đã có những đóng góp đáng kể trong việc nâng cao năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Nghiên cứu lí luận và khảo sát thực trạng cho thấy sử dụng hình thức nào trong bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông sẽ tùy thuộc vào các điều kiện như: Cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính, kĩ năng tự học của giáo viên và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông, nền tảng công nghệ thông tin, nguồn lực hỗ trợ học tập tại nhà trường phổ thông và địa phương… Bài viết phân tích mô hình bồi dưỡng kết hợp (blended course) có nhiều ưu điểm so với bồi dưỡng trực tiếp và bồi dưỡng trực tuyến thuần túy. Mô hình bồi dưỡng kết hợp là hình thức bồi dưỡng có sự đan xen giữa giai đoạn người được bồi dưỡng (là giáo viên và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông) tự học qua mạng với giai đoạn người được bồi dưỡng được tương tác trực tiếp, đa chiều với báo cáo viên (giảng viên, chuyên gia...) và người cùng được bồi dưỡng.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,242
Mối tương quan giữa môn học STEM với định hướng nghề nghiệp của học sinh trung học cơ sở tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được xác định bằng phép phân tích tương quan đa biến (CCA). Kết quả cho thấy, môn học STEM có mối tương quan chặt chẽ và chi phối định hướng nghề nghiệp của học sinh trung học cơ sở tại Nha Trang, Khánh Hòa. Vì vậy, đối với học sinh trung học cơ sở ở thành phố Nha Trang, nhà trường nên thiết kế các chủ đề giáo dục STEM và tổ chức cho học sinh trải nghiệm sáng tạo STEM theo định hướng nghề nghiệp kết hợp với sở thích môn học STEM nhằm kích thích tính hưng phấn, khơi dậy tiềm năng, sở trường của học sinh. Kết quả nghiên cứu này góp phần cung cấp cơ sở khoa học thực tiễn cho việc thiết kế các chủ đề giáo dục STEM phù hợp với định hướng nghề nghiệp của học sinh trung học cơ sở tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 818
Giáo dục nghệ thuật là một nội dung giáo dục quan trọng trong trường trung học phổ thông, nhằm hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho học sinh. Từ đó, bài viết làm rõ ý nghĩa, mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục nghệ thuật cho học sinh.
Số: /2022 Số CIT: 0 Số lượt xem: 776
Bài viết nghiên cứu cung cấp bằng chứng thực nghiệm về thực trạng liên kết giữa sự phát triển kinh tế thị trường với hiệu suất giáo dục đại học tại Việt Nam giai đoạn 2013 - 2016. Chỉ số Färe-Primont (FP) phân tách hiệu suất giáo dục đại học tại Việt Nam thành các chỉ số cấu phần. Kết hợp với dữ liệu niên giám thống kê, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, các chỉ tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam (Ví dụ: tổng sản phẩm, phát triển doanh nghiệp tư nhân, chỉ số phát triển công nghiệp, dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI) không cải thiện song song với hiệu suất giáo dục đại học. Điều này hàm ý một sự phát triển thiếu đồng bộ trong hai trụ cột kinh tế và giáo dục đại học tại Việt Nam. Do đó, trong giai đoạn tới, xây dựng và phát triển một cách hiệu quả các cơ chế kết nối giữa trường đại học với thị trường (lao động), đồng thời việc xây dựng dự án chia sẻ thông tin giáo dục đồng bộ là nhiệm vụ tối quan trọng trong hoạch định chính sách.