Danh sách bài viết

Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,512
Nghiên cứu đã khảo sát 3453 cán bộ quản lí và giáo viên về thực trạng triển khai tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 năm học 2021 - 2022 ở 9 tỉnh với nội dung: tập huấn sử dụng tài liệu, xây dựng kế hoạch giáo dục và triển khai tổ chức dạy học, hình thức và hiệu quả sử dụng tài liệu, phân công giáo viên dạy học nội dung giáo dục địa phương, các điều kiện đảm bảo để triển khai tài liệu, đánh giá học sinh trong dạy học nội dung giáo dục địa phương ở lớp 6. Kết quả khảo cho thấy, việc triển khai Tài liệu giáo dục địa phương ở lớp 6 năm học 2021 - 2022 tuy đã có những kết quả, thuận lợi ban đầu nhưng vẫn còn những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện.Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế khó khăn. Các địa phương cần triển khai một cách linh hoạt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt nội dung giáo dục địa phương ở những năm tiếp theo.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,924
Để giờ ăn của trẻ thực sự trở thành một hoạt động có ý nghĩa trong việc phát triển thể chất và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ, các nhà khoa học giáo dục đã có nhiều nghiên cứu về nội dung, phương pháp tổ chức bữa ăn cho trẻ đặc biệt là trẻ em lứa tuổi mầm non. Tuy nhiên, bên cạnh việc nghiên cứu hệ thống lí luận cũng cần có nghững nghiên cứu sâu hơn về thực trạng tổ chức bữa ăn cho trẻ. Nghiên cứu này khảo sát thực trạng tổ chức bữa ăn cho trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi ở một số trường mầm non trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy một số hạn chế nhất định trong kĩ năng tổ chức bữa ăn của giáo viên và trẻ, đồng thời chỉ ra những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động này. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong việc tổ chức bữa ăn cho trẻ tại địa bàn khảo sát.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 907
Mục đích nghiên cứu đề cập trong bài báo này là phát triển một sách điện tử tương tác nhằm hỗ trợ học sinh lớp 1 tự học chủ đề hình học. Việc thiết kế sách điện tử tương tác đảm bảo các yêu cầu từ góc độ Tâm lí - Giáo dục như tạo tương tác phù hợp đặc điểm cá nhân từng loại học sinh. Các tác giả đã thiết kế sách điện tử, tạo môi trường để học sinh lớp 1 tương tác với các đối tượng hình học cũng như với giáo viên và bạn học ảo trong các giai đoạn học tập khám phá, luyện tập, vận dụng và tự kiểm tra đánh giá. Các đơn vị kiến thức được thiết kế tương ứng với Chương trình Giáo dục quốc gia 2018. Sách điện tử hỗ trợ giáo viên tổ chức dạy học theo các phương án đa dạng khác nhau và nâng cao chất lượng học hình học của học sinh. Các nghiên cứu trường hợp và thực nghiệm sư phạm cho thấy, học sinh tự học hiệu quả và chiếm lĩnh được những kiến thức mới.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,587
Ngữ liệu có vai trò quan trọng đối với dạy học và kiểm tra đánh giá khả năng đọc hiểu văn bản của học sinh trong môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Tuy nhiên, ngữ liệu trong sách giáo khoa rất hữu hạn, được coi là những “mẫu” ngữ liệu để dạy học và kiểm tra đánh giá. Theo định hướng phát triển năng lực học sinh, giáo viên cần có nhiều ngữ liệu để tổ chức dạy học sinh thực hành đọc, mở rộng phạm vi đọc và thiết kế công cụ đánh giá. Nhưng lâu nay, nhiều giáo viên chưa có thói quen và khả năng tự xây dựng hệ thống ngữ liệu riêng phục vụ cho công việc của cá nhân. Bài viết giúp giáo viên hiểu được đặc điểm, vai trò của ngữ liệu và cách xây dựng hệ thống ngữ liệu để chủ động trong dạy học cũng như đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,007
Ở giai đoạn tiểu học, giáo dục giới tính đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phụ huynh, trường học và toàn xã hội. Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc giảng dạy giáo dục giới tính sẽ được triển khai thực hiện từ giai đoạn lớp 1. Vì thế, để đáp ứng yêu cầu về giáo dục giới tính của chương trình, một vấn đề cấp bách được đặt ra đó là việc thiết kế ngữ liệu sao cho học sinh có thể tiếp nhận tốt nhất các nội dung kiến thức cơ bản. Khi triển khai giáo dục giới tính cho học sinh lớp 1 theo Chương trình 2018, giáo viên tại các trường tiểu học tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh gặp khá nhiều khó khăn do thiếu các ngữ liệu dạy học phù hợp. Vì vậy, nghiên cứu này đã xây dựng 6 nguyên tắc và tiến trình thiết kế ngữ liệu giáo dục giới tính theo 3 bước phù hợp với học sinh lớp 1. Dựa trên nguyên tắc và tiến trình thiết kế ngữ liệu giáo dục giới tính, đã thiết kế các ngữ liệu gồm video, tranh ảnh, trò chơi, thẻ học tập với các hướng dẫn sử dụng cụ thể. Kết quả khảo nghiệm kế hoạch bài dạy minh họa trong môn Tự nhiên và Xã hội 1 với 50 giáo viên tiểu học tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, các ngữ liệu giáo dục giới tính đã thiết kế phù hợp, linh hoạt và hiệu quả khi dạy học trong thực tế, giúp hình thành và phát triển năng lực cho học sinh.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 712
Giáo dục hướng nghiệp là nội dung quan trọng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Giáo dục hướng nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông. Thực hiện nội dung giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh, từ đó giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích, quan niệm về giá trị của bản thân, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình và phù hợp với nhu cầu của xã hội. Bài viết tổng kết mô hình giáo dục hướng nghiệp đang được thực hiện ở một số trường trung học cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, những bài học kinh nghiệm từ mô hình và khuyến nghị nhân rộng mô hình.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 905
Bài viết được rút ra từ đề tài nghiên cứu được thực hiện bằng tiếng Anh “Sự hài lòng trong công việc của giáo viên phổ thông ở Đông Nam Á”, một dự án hợp tác giữa các trung tâm SEAMEO (thuộc Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á). Đề tài nhằm mục đích trình bày các vấn đề chính ảnh hưởng đến mức độ hài lòng trong công việc của giáo viên phổ thông tại các nước Đông Nam Á và đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm làm tăng sự hài lòng và động lực làm việc cho giáo viên. Đề tài sử dụng thuyết hai nhân tố về động lực của Herzberg: nhân tố tạo động lực và nhân tố duy trì. Đối với Việt Nam, các kết quả nghiên cứu cho thấy các nguyên nhân của việc giáo viên không hài lòng trong công việc do cả hai nhân tố duy trì và tạo động lực. Ba nguyên nhân cốt lõi là: 1) An sinh nghề nghiệp; 2) Môi trường làm việc; 3) Trách nhiệm công việc.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 756
Việc sử dụng phần mềm Zoom trong dạy học trực tuyến không chỉ là tình huống phát sinh trong điều kiện có dịch mà còn là xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0. Trên cơ sở lí luận của phần mềm Zoom, bài viết làm rõ việc sử dụng phần mềm Zoom và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm trong dạy học trực tuyến học phần Những nguyên lí cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin (Phần I) ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,137
Ở Việt Nam, hiện nay đang đổi mới mạnh mẽ và toàn diện trong lĩnh vực giáo dục. Các nhà khoa học giáo dục đã chuyển đổi từ việc dạy học tập trung vào kiến thức sang dạy học định hướng phát triển năng lực. Từ đó, đã xuất hiện nhiều hướng nghiên cứu mới trong dạy học so với trước kia, chẳng hạn như dạy học tích hợp, dạy học ứng dụng khoa học vào thực tế và giáo dục STEM. Trong các hướng này, giáo dục STEM đang là chủ đề hấp dẫn với học sinh trung học cơ sở. Có nhiều phương pháp dạy học được sử dụng trong giáo dục STEM như: dạy học theo dự án, dạy học khám phá, dạy học hợp tác. Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, STEM là một lĩnh vực tích hợp nên để tiếp cận nó chúng ta nên chọn một trong những phương pháp phù hợp, đó là sử dụng phương pháp dạy học giải quyết vấn đề. Cách thức dạy học chủ đề STEM bằng phương pháp dạy học giải quyết vấn đề như thế nào? Điều này sẽ được minh họa qua việc thiết kế và thực hiện mô phỏng túi khí.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 746
Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu thực trạng về công tác sinh viên ở Trường Đại học Ngoại ngữ- Đại học Huế, từ đó phát hiện những hạn chế và nhận diện rõ nguyên nhân, làm cơ sở cho việc đề xuất một số biện pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sinh viên đang học tập tại Trường. Số liệu nghiên cứu được thu thập từ kết quả khảo sát 57 viên chức quản lí, giảng viên, chuyên viên đang công tác tại các phòng chức năng, các khoa và 401 sinh viên đang theo học tại 07 khoa: Tiếng Anh, Tiếng Trung, Tiếng Pháp - Nga, Việt Nam học, Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Quốc tế học của Trường Đại học Ngoại ngữ, số liệu được xử lí bằng phần mềm thống kê SPSS 22.0. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vẫn còn viên chức quản lí, giảng viên, chuyên viên và sinh viên chưa thật sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng trong từng nội dung cụ thể của công tác sinh viên ở trường đại học. Bên cạnh những kết quả đạt được, các nội dung về công tác sinh viên vẫn còn những hạn chế, bất cập cần khắc phục.