Danh sách bài viết

Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 527
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại. Trong quá trình triển khai Chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc biên soạn một số sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục, đồng thời chỉ đạo việc đánh giá kết quả giáo dục dựa theo Chuẩn phẩm chất và năng lực của người học. Việc xây dựng Chuẩn đánh giá năng lực môn Âm nhạc là rất cần thiết, nhằm hỗ trợ giáo viên trong việc dạy học và đánh giá kết quả giáo dục. Chuẩn đánh giá năng lực còn cung cấp cho người học những thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình, góp phần nâng cao hiệu quả việc dạy học môn Âm nhạc trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 2,722
Chương trình Giáo dục phổ thông môn Toán năm 2018 đặc biệt chú trọng tăng cường các bài toán thực tế so với Chương trình năm 2006. Sau một năm thực hiện, nghiên cứu đã rút ra được những khó khăn của giáo viên và học sinh khi dạy các bài tập thực tế ở lớp 10. Giáo viên thường gặp một số khó khăn như việc xác định mục tiêu, tổ chức hoạt động, lựa chọn các bài tập thực tế khi giảng dạy và ra đề kiểm tra đánh giá. Học sinh thường gặp khó khăn và chưa sẵn sàng khi giải các bài toán có nội thực tế. Từ thực tế nêu trên, nhóm tác giả đề xuất một số biện pháp khắc phục những khó khăn vướng mắc khi dạy và học các bài tập thực tế ở lớp 10, góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Toán ở trường trung học phổ thông.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 716
Hội nhập quốc tế là một yếu tố không thể thiếu để đáp ứng xu hướng toàn cầu và quốc tế hoá giáo dục, là mục tiêu quan trọng của thế kỉ XXI đối với nhiều quốc gia. Trong thời gian gần đây, quốc tế hoá giáo dục ở cấp học phổ thông (Mầm non - Lớp 12) đã trở thành một xu hướng nhằm chuẩn bị kiến thức và kĩ năng cho thế hệ học sinh, nguồn nhân lực tương lai của mỗi quốc gia. Kết quả nghiên cứu của bài viết chỉ ra rằng, tại khu vực Châu Á, nhiều quốc gia đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của hiện tượng này, thể hiện qua việc triển khai các dự án giáo dục quốc gia về hội nhập quốc tế; ví dụ, tích hợp nội dung quốc tế vào chương trình giáo dục quốc dân. Quốc tế hoá giáo dục đã thay đổi quá trình đánh giá chất lượng giáo dục, với việc lan rộng các kì thi chuẩn hóa và kì thi liên quốc gia. Cụ thể, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc khuyến khích trao đổi quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài và tích hợp nội dung chương trình quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức. Do đó, cần áp dụng các giải pháp hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và trở thành một quốc gia tiên phong trong quá trình hội nhập quốc tế tại khu vực Châu Á nói chung.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 2,117
Dạy học dự án là một trong những phương pháp dạy học tích cực, góp phần vào việc phát triển năng lực cũng như hiểu biết của học sinh. Đặc biệt, với tính chất gắn với thực tế, dạy học dự án có ưu thế trong giáo dục các nội dung liên quan đến địa phương và cộng đồng. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu thực trạng vận dụng dạy học dự án vào giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương trong môn Lịch sử và Địa lí cấp Tiểu học ở các trường tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu được rút ra dựa trên câu trả lời của 90 giáo viên tham gia trả lời bảng hỏi, thông qua công cụ Google Form, trong thời gian từ ngày 03 tháng 4 năm 2023 đến ngày 07 tháng 4 năm 2023. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù đa số giáo viên đã được tiếp cận thông qua tập huấn hoặc tự tìm hiểu về dạy học dự án nhưng họ vẫn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Các khó khăn đó bắt nguồn từ nhận thức chưa đầy đủ về phương pháp dạy học, đánh giá chưa đúng mức vai trò của giáo viên và học sinh cũng như các yếu tố về thời lượng dành cho môn học, sự tham gia của phụ huynh trong quá trình giáo dục. Một số khuyến nghị cũng đã được đề xuất thông qua nghiên cứu, đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo và tập huấn giáo viên, sự kết nối giữa nhà trường và phụ huynh để họ hiểu rõ hơn vai trò của mình trong việc tham gia vào quá trình học tập của con.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,176
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực. Chương trình đã xác định các năng lực chung và năng lực đặc thù cùng các phẩm chất cần hình thành và phát triển ở học sinh. Mặc dù có những quy định cụ thể về các yêu cầu cần đạt đối với mỗi phẩm chất và năng lực ở cấp học, từng môn học và hoạt động giáo dục nhưng vẫn chưa đủ căn cứ, minh chứng để xác định các mức kết quả đạt được của học sinh sau mỗi giai đoạn học tập. Đối với môn Tiếng Việt cấp Tiểu học, cần dựa vào mục tiêu và yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất nêu trong chương trình để xây dựng Chuẩn đánh giá, tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc thiết kế công cụ đánh giá từng kĩ năng đọc, viết, nói, nghe. Căn cứ vào kết quả đánh giá, có thể xác định đúng phẩm chất, năng lực của từng em, từ đó có phương án hỗ trợ phù hợp, đảm bảo tất cả học sinh đều tiến bộ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 959
Chương trình Giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018 đã được ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời sách giáo khoa môn học này ở lớp 6, 7 đã được đưa vào sử dụng và đến năm học 2023 - 2024 tiếp tục được đưa vào giảng dạy ở lớp 8. Năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học trong chương trình mới được mô tả xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 thông qua các môn học về Khoa học tự nhiên. Trong dạy học Khoa học tự nhiên 7, để phát triển được năng lực này, có nhiều phương pháp/biện pháp khác nhau nhưng sử dụng dạy học theo dự án có nhiều cơ hội và phù hợp với đặc thù kiến thức của môn học này. Nghiên cứu đề xuất quy trình tổ chức dạy học theo dự án nhằm phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học cho học sinh trong dạy học chủ đề “Muối khoáng và sự sống” (Khoa học tự nhiên 7). Kết quả nghiên cứu là tài liệu tham khảo hữu ích cho giáo viên môn Khoa học tự nhiên.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,559
Trong giáo dục STEM, quy trình 6E là sự phát triển của quy trình 5E, là sự nhấn mạnh yếu tố thiết kế kĩ thuật. Quy trình này đã bước đầu được áp dụng ở Việt Nam với nhiều chủ đề STEM. Đây là quy trình rõ ràng, đầy đủ, giúp việc dạy học STEM đạt hiệu quả cao. Bài viết vận dụng quy trình 6E vào dạy học “Quan hệ vuông góc trong không gian” cho học sinh lớp 11 qua việc trải nghiệm xây dựng “Mô hình trại hè” nhằm tạo cơ hội cho học sinh được củng cố kiến thức về quan hệ vuông góc trong không gian, vận dụng hiệu quả những kiến thức này vào thực tiễn ở phổ thông, từ đó phát triển tư duy không gian, hình ảnh, tích hợp kiến thức của các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học, đáp ứng hiệu quả định hướng giáo dục STEM.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 694
Trong những năm qua, Thành phố Hà Nội nói riêng và phạm vi toàn quốc nói chung đã rất chú trọng công tác phát triển đội ngũ giáo viên. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng cao. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp Trung học cơ sở đã đặt ra nhiều yêu cầu cho hoạt động đánh giá và quản lí hoạt động đánh giá giáo viên, đặc biệt là đánh giá giáo viên theo tiếp cận năng lực. Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu thực trạng quản lí hoạt động đánh giá giáo viên trung học cơ sở tại Thành phố Hà Nội theo hướng tiếp cận năng lực, với các nội dung: thực trạng quản lí lực lượng tham gia đánh giá, thực trạng cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá, thực trạng quản lí quy trình đánh giá, thực trạng quản lí quá trình đánh giá và thực trạng sử dụng kết quả đánh giá giáo viên. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất các giải pháp quản lí hoạt động đánh giá, phát triển năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 856
Đánh giá dựa trên Chuẩn cũng như xây dựng chương trình phát triển năng lực đã và đang trở thành xu hướng trên thế giới. Ở Việt Nam, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được ban hành theo tiếp cận phát triển năng lực. Hiện nay, Chuẩn đánh giá năng lực nhằm hỗ trợ hiệu quả cho quá trình tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh chưa được ban hành. Với yêu cầu xây dựng Chuẩn đánh giá năng lực, bằng phương pháp chuyên gia, nhóm nghiên cứu đã vận dụng các lí thuyết và kinh nghiệm quốc tế để đưa ra một số định hướng xây dựng Chuẩn đánh giá trong môn Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí cấp Tiểu học. Bài viết đề cập đến cấu trúc năng lực đặc thù môn học thể hiện trong chương trình và xây dựng các mức độ đạt được của yêu cầu cần đạt (Chuẩn đánh giá năng lực). Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng Chuẩn đánh giá năng lực nhưng hi vọng những vấn đề được đề cập đến sẽ là một điểm tham chiếu cho các nghiên cứu sau này
Số: /2023 Số CIT: 0 Số lượt xem: 603
Phát triển năng lực người học là định hướng cốt lõi trong Chương trình Giáo dục phổ thông nói chung và Chương trình môn Khoa học tự nhiên nói riêng. Việc xây dựng Chuẩn đánh giá năng lực khoa học tự nhiên góp phần để giáo viên thiết kế được các kế hoạch bài học và thực hiện giảng dạy để phát triển và đánh giá đúng năng lực của học sinh, đồng thời có biện pháp thúc đẩy để năng lực khoa học tự nhiên của các em phát triển lên cao hơn. Bài viết giới thiệu các bước thực hiện xây dựng Chuẩn và minh họa về Chuẩn đánh giá năng lực Khoa học tự nhiên trong môn Khoa học tự nhiên lớp 6, góp phần thực hiện có hiệu quả trong giảng dạy, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.