Chương trình Giáo dục phổ thông môn Toán ban hành năm 2018 có nhiều điểm mới trong đó điển hình là quan điểm tăng cường gắn với thực tiễn, liên môn, giúp người học có cơ hội để thực hành, ứng dụng, góp phần hình thành và phát triển được những phẩm chất, năng lực chung đã quy định. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, đa số giáo viên chưa quen khi dạy học theo chương trình mới, còn lúng túng khi thiết kế bài học theo định hướng mới. Bài viết giới thiệu một cách tiếp cận, thiết kế và tổ chức dạy học Toán theo hướng tăng cường gắn với thực tiễn, minh hoạ qua khai thác chủ đề tỉ số và ứng dụng của nó trong thực tiễn, mà điển hình là tỉ lệ vàng.
Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển, hợp tác trường đại học và doanh nghiệp trở thành xu thế tất yếu để giúp cả trường đại học và doanh nghiệp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh trong lĩnh vực ngành nghề của mình. Mục tiêu của bài viết nhằm hệ thống hoá cơ sở lí luận của hợp tác trường đại học và doanh nghiệp trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu quốc tế về chủ đề này. Bài viết cũng phân tích, làm rõ bối cảnh và những động lực thúc đẩy hợp tác trường đại học và doanh nghiệp, những lợi ích đem lại cho các bên liên quan, các hình thức hợp tác phổ biến và các mô hình hệ sinh thái trường đại học và doanh nghiệp.
Đổi mới chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Văn -Tiếng Việt theo định hướng ứng dụng là việc quan trọng, cấp bách, cần thiết nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển tối ưu các phẩm chất, năng lực người học đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đổi mới chương trình đào tạo đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới đối với các hoạt động đào tạo trong nhà trường và đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động sư phạm của giảng viên: từ mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, phương tiện dạy học đến kiểm tra đánh giá. Học phần Thực tập có vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình định hướng ứng dụng. Bài viết tập trung làm rõ định hướng cách thức thực hiện học phần Thực tập trong chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Văn - Tiếng Việt (chương trình theo định hướng ứng dụng) tại Trường Đại học Hồng Đức.
Vấn đề đào tạo sinh viên theo hướng tiếp cận năng lực có nhiều quan điểm thực hiện khác nhau. Trường Đại học Vinh đã tiến hành đào tạo sinh viên theo tiếp cận CDIO nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội từ năm học 2017 - 2018. Mặt khác, mỗi phương pháp giảng dạy dù truyền thống hay hiện đại đều nhấn mạnh lên một khía cạnh nào đó của cơ chế dạy - học hoặc nhấn mạnh lên mặt nào đó thuộc về vai trò của giảng viên và vẫn tồn tại một vài khía cạnh mà người dạy và người học chưa khai thác hết. Chính vì thế, không có một phương pháp dạy học nào được cho là lí tưởng và trong quá trình giảng dạy việc sử dụng kết hợp nhiều phương pháp dạy học chủ động sẽ đem lại hiệu quả mong muốn. Đây là cơ sở để chúng tôi kết hợp phương pháp dạy học vi mô với phương pháp đóng vai nhằm phát triển năng lực thực hành thí nghiệm Hoá học cho sinh viên Sư phạm Hóa học theo tiếp cận CDIO.
Lòng biết ơn thuộc phạm trù cảm xúc - xã hội, là thuộc tính cá nhân quan trọng, giúp hình thành, phát triển toàn diện nhân cách của con người. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lòng biết ơn đã xuất hiện ở trẻ mầm non. Đây là thời điểm thuận lợi để giáo dục lòng biết ơn cho trẻ với các phương thức khác nhau. Bằng cách hồi cứu tài liệu liên quan, bài viết trình bày khái quát kết quả nghiên cứu trên thế giới về giáo dục lòng biết ơn cho trẻ mầm non, từ đó định hướng một số vấn đề cần quan tâm ở các nghiên cứu tiếp theo.
Năng lực giao tiếp và hợp tác là một nhóm năng lực quan trọng được xem là một trong những giải pháp chủ yếu để con người chung sống, phát triển. Hình thành và phát triển nhóm năng lực này về bản chất là phát triển khả năng làm việc nhóm, khả năng tổ chức, quản lí, tương tác và làm chủ các mối quan hệ. Việc nghiên cứu năng lực giao tiếp và hợp tác là hoạt động quan trọng để thúc đẩy phát triển năng lực này. Trong bài viết này, nhóm tác giả đưa ra các nhận định của giáo viên trung học cơ sở về hoạt động giáo dục cũng như thực tiễn triển khai dạy học có hướng đến phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác cho học sinh thông qua môn Khoa học tự nhiên. Bước đầu làm cơ sở triển khai nghiên cứu và xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực giao tiếp và hợp tác.