Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 1,123
Giáo dục phổ thông đã và đang chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang giáo dục tiếp cận năng lực người học. Do vậy, dạy học theo tiếp cận năng lực người học như một hoạt động cốt lõi trong quá trình đào tạo người học đáp ứng mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông. Bài viết trình bày thực trạng hoạt động dạy học môn Lịch sử theo tiếp cận phát triển năng lực học sinh ở các trường trung học phổ thông công lập Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh gồm: sự cần thiết của hoạt động dạy học môn Lịch sử; mục tiêu hoạt động dạy học môn Lịch sử; nội dung hoạt động dạy học môn Lịch sử; phương pháp, hình thức dạy học môn Lịch sử và kiểm tra, đánh giá môn Lịch sử theo tiếp cận phát triển năng lực học sinh từ ý kiến của 1.317 cán bộ quản lí, giáo viên và học sinh. Qua phân tích thực trạng, bài viết sử dụng Independent Sample T-test để kiểm định sự khác biệt về ý kiến đánh giá giữa 2 nhóm đối tượng khảo sát gồm nhóm 1 (cán bộ quản lí, giáo viên) và nhóm 2 (học sinh) về các nội dung khảo sát. Kết quả 5 nội dung có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm đối tượng khảo sát.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 955
Việc giảng dạy tiếng Anh có nhiều cách tiếp cận và phương pháp dạy khác nhau. Trong đó, phương pháp tiếp cận dựa vào nhiệm vụ đã và đang thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các nhà giáo dục. Bài viết giới thiệu khái quát về tiếp cận dựa vào nhiệm vụ trong việc giảng dạy tiếng Anh ở bậc Đại học, Cao đẳng. Hai phần đầu tiên của bài viết trình bày cơ sở lí luận về tiếp cận dựa vào nhiệm vụ và mô hình nghiên cứu áp dụng tiếp cận dựa vào nhiệm vụ của Gorp và Bogaert (2006). Phần tiếp theo trình bày những bước cụ thể trong mô hình để triển khai một bài dạy kĩ năng nói tiếng Anh với một nhiệm vụ học tập được lựa chọn từ phần cơ sở lí luận. Bên cạnh đó, một số đề xuất cho các nhà quản lí giáo dục, đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Anh và hướng nghiên cứu tiếp theo về tiếp cận dựa vào nhiệm vụ trong việc giảng dạy tiếng Anh được trình bày trong phần kết luận.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 2,039
Giáo dục STEM là mô hình giáo dục hiện đại đã được quán triệt thực hiện đối với các môn học có liên quan trong Chương trình Giáo dục phổ thông (2018) nhằm phát triển phẩm chất, năng lực và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng về: 1/ Sự cần thiết phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh trong dạy học Hóa học ở trường trung học phổ thông; 2/ Các phương pháp dạy học giáo viên đã sử dụng để phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh; 3/ Mức độ vận dụng các hình thức tổ chức giáo dục STEM trong dạy học Hóa học; 4/ Mức độ cần thiết sử dụng một số phương pháp dạy học tích cực tổ chức dạy học các chủ đề/bài học STEM để phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh; 5/ Các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá giáo viên thường sử dụng trong quá trình tổ chức dạy học chủ đề/bài học STEM; 6/ Thuận lợi, khó khăn đối với giáo viên khi tổ chức dạy học chủ đề/bài học STEM trong môn Hóa học ở trường trung học phổ thông.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 724
Chương trình học phần Giáo dục thể chất tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội được xây dựng trên cơ sở lí luận và thực tiễn của trường theo hướng mở nhằm tạo điều kiện để sinh viên được lựa chọn các hoạt động, bảo đảm sự phù hợp với tâm - sinh lí lứa tuổi, quy luật phát triển thể chất của sinh viên, phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên trong học tập, rèn luyện thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục cũng như vận dụng các phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp với đặc điểm của học phần, góp phần hỗ trợ hình thành, phát triển phẩm chất, nhân cách và năng lực của sinh viên.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 4,000
Văn bản đa phương thức là văn bản có sự phối hợp phương tiện ngôn ngữ và các phương tiện khác như kí hiệu, sơ đồ, biểu đồ, hình ảnh, âm thanh, để cùng hướng tới phản ánh một ý nghĩa nào đó. Chương trình Ngữ văn 2018 đã đưa văn bản đa phương thức vào nội dung dạy học (bao gồm cả dạy tiếp nhận và tạo lập), đây là một điểm mới so với Chương trình Ngữ văn hiện hành (2006). Trong chương trình này, yêu cầu cần đạt về viết, nói văn bản đa phương thức chỉ xuất hiện ở một số lớp, giới hạn ở loại văn bản thông tin và nghị luận. Bài viết đưa ra những đề xuất mang tính khái quát về quy trình, biện pháp dạy học tạo lập văn bản đa phương thức theo Chương trình Ngữ văn 2018.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 646
Trong bộ môn Vật lí, thực hành thí nghiệm là hoạt động không thể thiếu trong quá trình nhận thức Vật lí của học sinh. Thông qua việc thực hiện hoặc quan sát thí nghiệm, học sinh phát triển khả năng tìm tòi, khám phá các định luật, hiện tượng vật lí, làm tăng sự hứng thú và phát triển khả năng liên hệ kiến thức hàn lâm ra ngoài cuộc sống. Qua điều tra thực trạng dạy học Vật lí tại một số trường trung học phổ thông cho thấy, học sinh vẫn chưa được tiếp xúc thường xuyên với thí nghiệm trong quá trình học tập, nhất là rất hạn chế trong việc được làm thí nghiệm trực tiếp. Do vậy, năng lực thực nghiệm của học sinh rất hạn chế. Vì thế, chúng tôi đưa ra giải pháp để tăng cường năng lực thực nghiệm của học sinh trong quá trình học bằng cách: Tổ chức hoạt động học tập để học sinh có cơ hội cải tiến, thiết kế, chế tạo bộ thí nghiệm và học sinh tự làm thí nghiệm khảo sát hoặc kiểm nghiệm các định luật trên chính bộ thí nghiệm mà học sinh đã chế tạo. Quá trình thực nghiệm sư phạm áp dụng minh hoạ cho nội dung dạy học “Các định luật chất khí” thông qua dạy học dự án cho thấy rằng, giải pháp đã thiết kế đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, phù hợp với điều kiện dạy học Vật lí ở trường trung học phổ thông hiện nay mà vẫn đảm bảo được mục tiêu đặt ra là phát triển năng lực thực nghiệm cũng như hệ thống năng lực, phẩm chất trong mục tiêu giáo dục chung.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 1,124
Dạy học kết hợp là một khái niệm đã được các nhà giáo dục và các tổ chức giáo dục trên thế giới sử dụng từ lâu, để miêu tả hình thức học tập điện tử kết hợp với học tập truyền thống. Tác giả đưa ra một số khái niệm về dạy học kết hợp được sử dụng rộng rãi trên thế giới, những kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia đã áp dụng thành công phương pháp dạy học này với hi vọng mang lại một cái nhìn tổng quát về dạy học kết hợp, đồng thời là cơ sở cho việc triển khai một cách linh hoạt mô hình dạy học kết hợp ở Việt Nam.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 1,854
Thiết kế bài học/chủ đề STEM tiếp cận quy trình kĩ thuật được giáo viên sử dụng khá phổ biến trong hoạt động giáo dục STEM ở trường phổ thông. Trên cơ sở tổng hợp một số tài liệu hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức hoạt động giáo dục STEM, tác giả bài viết tập trung nghiên cứu ba nội dung cơ bản nhất trong thiết kế một bài học STEM tiếp cận quy trình kĩ thuật, đó là: Ý tưởng thiết kế bài học; Xây dựng tình huống học tập; Tiêu chí đánh giá sản phẩm/giải pháp giải quyết vấn đề.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 1,013
Trong xu thế toàn cầu hoá, vấn đề giáo dục công dân toàn cầu đã và đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia. Việt Nam trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với mục tiêu đào tạo ra những công dân có phẩm chất và năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Việc giáo dục công dân toàn cầu chính là góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Bài viết trình bày về mục tiêu giáo dục công dân toàn cầu Việt Nam, xác định những địa chỉ có khả năng giáo dục công dân toàn cầu trong môn Đạo đức cấp Tiểu học, trên cơ sở đó đề xuất định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá kết quả giáo dục công dân toàn cầu.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 1,296
Công bằng trong giáo dục vừa là mục tiêu cần đạt được vừa là tiêu chí quan trọng để phát triển trình độ giáo dục của một quốc gia. Thông qua phương pháp nghiên cứu tài liệu, trọng tâm là các báo cáo của Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ban ngành và các tổ chức quốc tế… để mô tả thực trạng tham gia giáo dục của trẻ khuyết tật trong giai đoạn 2011 - 2020, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo tiếp cận và công bằng giáo dục của trẻ khuyết tật trong giai đoạn tiếp theo