Danh sách bài viết

Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 437
Với mục tiêu “Giáo viên phải được đào tạo để trở thành những nhà giáo dục hơn là những chuyên gia truyền đạt kiến thức”, hoạt động quản lí chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông theo tiếp cận đảm bảo chất lượng của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á cần được cải cách cơ bản và sâu sắc, hướng đến mô hình của các nước đang phát triển nhưng vẫn phải đáp ứng các đặc thù của xã hội và nền giáo dục đại học Việt Nam. Bài viết đánh giá thực trạng quản lí chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông theo tiếp cận AUN-QA của 5 cơ sở đào tạo. Việc quản lí chương trình đào tạo đã đạt được những kết quả khả quan như chuẩn đầu ra được xây dựng tương thích với tầm nhìn và sứ mạng của nhà trường, việc giám sát, đánh giá việc triển khai mục đích giáo dục, vai trò của người dạy và người học được thực hiện nhất quán, việc đánh giá hệ thống giám sát sự tiến bộ của người học, kết quả và khối lượng học tập của người học được triển khai hiệu quả... Kết quả nghiên cứu cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, cần đề xuất các biện pháp khắc phục như các nội dung trong quản lí và phát triển chuyên môn của cán bộ giảng dạy và hỗ trợ, các nội dung trong việc quản lí kiểm tra đánh giá học tập chưa được thực hiện tốt, ....
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 448
Giáo dục thông minh là sự chuyển đổi từ giáo dục truyền thống sang nền tảng giáo dục mới, thể hiện trên năm thành tố có tính tương tác cao: (1) Tính tự chủ, tự định hướng (Self-directed); (2) Có động lực học tập (Motivated); (3) Sự thích ứng (Adaptive); (4) Giàu hóa tài nguyên (Resource-enriched); (5) Tích hợp công nghệ (Technology). Giáo dục thông minh hướng tới mục đích đổi mới phương pháp giáo dục thể hiện trong một môi trường giáo dục được hỗ trợ bởi công nghệ, tạo ra sự thích ứng và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0. Các nghiên cứu về trường học thông minh xác định những đặc điểm chung của trường học thông minh hoặc đi sâu vào các thành tố của trường học thông minh như mục tiêu, nội dung, phương pháp, đánh giá, …Việc nghiên cứu xác định các “mức độ thông minh” làm cơ sở cho việc xây dựng, phát triển trường học thông minh. Bài viết này thảo luận về các đặc điểm chính của giáo dục thông minh và môi trường học tập thông minh, trường học thông minh trên cách nhìn tổng thể mang tính cấu trúc, đặc biệt sẽ chỉ ra các yếu tố liên quan, thống nhất để xây dựng trường học thông minh.
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 441
Trong những năm vừa qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã xác định “Chiến lược phát triển kinh tế biển là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn hàng đầu của cả nước”. Do vậy, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực hàng hải được đào tạo với chất lượng cao. Bài viết chỉ ra những thách thức, cơ hội mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại đối với giáo dục - đào tạo ở nước ta; những thực trạng chung và nhu cầu về nhân lực hàng hải chất lượng cao ở Việt Nam; trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nhân lực hàng hải Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Như vậy, việc nâng cao chất lượng nhân lực hàng hải trở nên cấp thiết và quan trọng, đó là công việc có tính chất quyết định đến sự tồn tại, phát triển của ngành Hàng hải, phát triển kinh tế biển Việt Nam từ nay đến năm 2025 và lâu hơn nữa. Đồng thời, thông qua việc “nâng cao chất lượng nhân lực hàng hải” sẽ góp phần tích cực vào việc “hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng trước mắt cũng như lâu dài về bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo… trước những thế lực thù địch liên tục gây hấn và lăm le xâm lấn chủ quyền biển đảo trên Biển Đông của Việt Nam”.
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 527
Bài viết làm rõ tiến trình dạy học Lượng giác ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trong chương trình môn Toán hiện hành thông qua việc phân tích những ưu điểm và hạn chế của bốn giai đoạn dạy học Lượng giác của chương trình môn Toán phổ thông hiện nay.Trên cơ sở đó, đã chỉ ra một số điểm cần chú ý trong dạy học nội dung Lượng giác chương trình môn Toán mới.Trước hết là thống nhất cùng một quan điểm xây dựng hàm số lượng giác, xuyên suốt từ giá trị lượng giác của góc đến hàm số lượng giác biến số thực; Hai là, bổ sung các khái niệm góc (cung) đối nhau, góc (cung) bù nhau, góc (cung) phụ nhau, góc (cung) hơn kém nhau π và tổng, hiệu của góc (cung) lượng giác trước khi xây dựng các công thức biến đổi; Ba là, tăng cường cách tiếp cận trực quan khi dạy học các nội dung lượng giác như: Tập xác định của các hàm y=tanx và hàm y=cotx, phương trình lượng giác cơ bản: sinx=a, cosx=a, tanx=a, cotx=a; Bốn là, tăng cường gắn kết các nội dung dạy học lượng giác với những vấn đề thực tiễn như: Đo đạc, tính toán, các chuyển động trong Vật lí,... Cách tiếp cận này sẽ tăng cường hiệu quả và chất lượng dạy học nội dung lượng giác của chương trình Toán phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục của nước ta hiện nay
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 535
Can thiệp rối loạn phổ tự kỉ dựa vào cộng đồng là một mô hình can thiệp nhằm đem lại cơ hội về hòa nhập xã hội một cách bình đẳng cho tất cả trẻ em và người tự kỉ tại chính nơi mà họ sinh sống. Can thiệp được thực hiện dựa trên việc kết hợp những nguồn nhân lực và vật lực có sẵn tại chính gia đình trẻ và ngay trong môi trường sinh hoạt, học tập của trẻ. Bệnh viện Nhi đã xây dựng một quy trình can thiệp sớm trẻ tự kỉ dựa vào cộng đồng và đã từng bước áp dụng có hiệu quả. Quy trình gồm các bước: (1) Đánh giá phân loại; (2) Đào tạo cho cha mẹ/người chăm sóc; (3) Can thiệp tại các tuyến cơ sở theo ba hình thức: Trung tâm can thiệp sớm, trường mầm non kết hợp can thiệp cá nhân, gia đình; (4) Đánh giá định kì. Các hoạt động can thiệp lấy trẻ và gia đình làm trung tâm, có sự tham gia của nhóm chuyên gia đa ngành: cán bộ y tế, cán bộ tâm lí, giáo viên giáo dục đặc biệt, các nhà trị liệu chuyên sâu và sử dụng các phương pháp can thiệp dựa trên bằng chứng... Cần thiết có sự phối hợp tích cực giữa các bộ, ngành để tạo điều kiện cho quy trình được thực hiện thống nhất, phổ biến rộng rãi ở cộng đồng.
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 382
Trong quá trình phát triển tất yếu của thế kỉ XXI, toàn cầu hóa đang tác động mãnh mẽ dẫn đến đến nhiều thay đổi trong cuộc sống con người, lĩnh vực giáo dục cũng không nằm ngoài những tác động không thể tránh được này. Nhằm tạo ra những thay đổi theo hướng tích cực, lĩnh vực giáo dục cần nghiên cứu xác định những đặc trưng cơ bản cũng như ảnh hưởng của nó. Bài viết dưới đây là sơ lược kết quả nghiên cứu về giáo dục công dân toàn cầu trong chương trình giáo dục phổ thông của 03 quốc gia trong khu vực Châu Á là Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia. Trong đó, tác giả làm rõ khái niệm “công dân toàn cầu” và “giáo dục công dân toàn cầu” cũng như tầm quan trọng của hai vấn đề này ở giai đoạn hiện nay, tiếp đến là những nội dung liên quan đến giáo dục công dân toàn cầu và mục đích giáo dục công dân toàn cầu của ba quốc gia Châu Á. Dựa trên những phân tích về chương trình của Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia, một số khuyến nghị về giáo dục công dân toàn cầu trong bổi cảnh của Việt Nam được đưa ra như bài học kinh nghiệm cho định hướng giáo dục công dân toàn cầu ở nhà trường phổ thông.
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 558
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo và các công nghệ xuyên ngành Kĩ thuật số - Vật lí học - Sinh học có quy mô tác động và tốc độ phát triển theo cấp số lũy thừa, có thể làm thay đổi cách thức con người sống, làm việc và điều hành xã hội. Sự thay đổi này đã và đang đặt ra những thách thức mới đối với quá trình đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Bên cạnh trang bị kiến thức, kĩ năng chuyên môn và thái độ làm việc khoa học, hợp tác, trách nhiệm, việc chú trọng bồi dưỡng kĩ năng tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên sẽ giúp người học biến quá trình được đào tạo thành quá trình tự đào tạo và học tập suốt đời. Bài viết trình bày khái quát một số vấn đề lí luận về kĩ năng tự học của sinh viên và kết quả nghiên cứu kĩ năng tự học của sinh viên năm thứ nhất, ngành Kĩ thuật phần mềm tại Trường Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, bài viết cũng đề xuất một số biện pháp nâng cao kĩ năng tự học cho sinh viên năm thứ nhất, ngành Kĩ thuật phần mềm tại Trường Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh.
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 577
Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam, trong những năm qua, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra yêu cầu “Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học” như Nghị quyết 29/NQ-TW đã nêu, đáp ứng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Với các cơ sở giáo dục và đào tạo của Việt Nam, việc ứng dụng các thành tựu nghiên cứu về nền tảng công nghệ số và chuyển đổi số cho mô hình giáo dục mới sẽ đem lại hiệu quả giáo dục cao, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế trong giáo dục. Các chính sách chuyển đổi số cho trường học thông minh ở nhiều quốc gia đã có tác dụng thúc đẩy chất lượng và hiệu quả của quá trình giáo dục. Giáo dục Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước để bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách với nền tảng Công nghệ thông tin và những bước triển khai đầu tiên của Chính phủ điện tử, cũng là những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho trường học thông minh ở Việt Nam, từng bước đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận thế giới
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 444
Trong những năm gần đây, các trang mạng xã hội đã phát triển sâu rộng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Số lượng học sinh tham gia vào các trang mạng xã hội mà cụ thể là Facebook chiếm tỉ lệ rất cao và dành nhiều thời gian truy cập chủ yếu để thư giãn, còn dành cho việc học và tìm tòi tài liệu phục vụ cho việc học thường rất hạn chế. Để khuyến khích học sinh tự học và dành nhiều thời gian cho tự học là một việc làm đòi hỏi có sự đầu tư nhiều của người dạy. Với chủ đề “Khám phá từ trường Trái Đất”, giáo viên không chỉ dạy học bằng cách truyền thụ (xây dựng) kiến thức mà chủ yếu là hướng dẫn học sinh tự lực tìm kiếm thông tin thông qua Facebook, sử dụng kiến thức vào giải quyết các nhiệm vụ có ý nghĩa thực tiễn.
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 453
Phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh là một trong các nhiệm vụ quan trọng của trường trung học phổ thông chuyên. Để phát triển năng lực này, đòi hỏi giáo viên phải thiết kế giáo án theo định hướng phát triển năng lực sáng tạo trước khi tiến hành dạy học Hoá học trên lớp. Kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển năng lực sáng tạo sẽ định hướng vào hoạt động của học sinh, giúp học sinh tham gia hoạt động học tập sáng tạo, gắn lí thuyết với thực hành, nhà trường với xã hội. Qua khảo sát việc dạy học Hoá học ở một số trường trung học phổ thông chuyên khu vực Trung Bộ và Nam Bộ cho thấy, giáo viên còn hạn chế trong việc thiết kế kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển năng lực sáng tạo để tổ chức cho học sinh tìm tòi, nghiên cứu, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề đặt ra trong học tập. Bài viết đề cập đến việc thiết kế kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển năng lực sáng tạo cho cho học sinh trường trung học phổ thông chuyên.