Danh sách bài viết

Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 357
Bài viết trang bị cho giáo viên dạy Toán nền tảng lí luận làm cơ sở cho việc nhìn nhận tư tưởng dạy học tích hợp ở trường trung học cơ sở trên quan điểm tích hợp. Về mặt thực tiễn, bài viết chú trọng một số định hướng cho hoạt động trải nghiệm tìm tòi các tình hướng thực tiễn nhằm thực hiện các chức năng dạy học Toán theo quan điểm tích hợp, bao gồm: Chức năng tạo nhu cầu nhận thức cho học sinh, chức năng củng cố, khắc sâu kiến thức, chức năng giải thích các tình huống thực tiễn, sáng tỏ các mối liên hệ dạy học Toán với dạy học các môn học khác ở trường trung học cơ sở.
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,352
Môi trường giáo dục tích cực luôn được quan tâm trong mọi thời đại, là tất cả các điều kiện về vật chất và tinh thần có ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, học tập, rèn luyện và phát triển của người học. Môi trường giáo dục tích cực cần đảm bảo các thành tố an toàn, lành mạnh, thân thiện, là môi trường giáo dục mà người học được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần; Không có tệ nạn xã hội, không bạo lực; Người học, cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa; Người học được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái, được phát huy dân chủ và tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực. Bài báo đề cập đến một số biện pháp xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ trong trường mầm non nhằm góp phần đảm bảo cho trẻ được sống, học tập, vui chơi và phát triển toàn diện nhân cách, đáp ứng yêu cầu đổi mới của xã hội hiện nay
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 464
Nghiên cứu ô nhiễm âm thanh được thực hiện trên 120 trường trung học phổ thông tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn các trường trung học phổ thông ở địa bàn nội thành đều chịu tác động của ô nhiễm âm thanh với các mức độ khác nhau. Hai quận có mức độ ô nhiễm âm thanh cao là Hoàn Kiếm và Cầu Giấy. Qua quan sát, tác nhân gây nên ô nhiễm âm thanh là do phương tiện giao thông đưa lại. Ngoài ra, còn có tác nhân do sinh hoạt của dân cư sống quanh trường, do công trình xây dựng gây nên. Nghiên cứu cũng đưa ra một số đề xuất nhằm làm giảm tiếng ồn cho trường học.
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 347
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kĩ thuật, công nghệ và kinh tế đã và đang tác động đến nếp sống thanh cao của Tăng Ni sinh viên trong chốn thiền môn. Vì vậy, nghiên cứu nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục đạo đức Phật giáo cho Tăng Ni sinh viên sẽ góp phần giúp Tăng Ni sinh viên có định hướng đúng, thích nghi được với sự phát triển về khoa học, kĩ thuật, công nghệ và kinh tế song vẫn giữ được lí tưởng cao thượng của người xuất gia. Bài báo trình bày một số vấn đề lí luận về nội dung và hình thức giáo dục đạo đức Phật giáo. Bên cạnh đó, bài viết còn đề cập tới cách thức tổ chức giáo dục đạo đức Phật giáo cho Tăng Ni sinh viên qua hình thức sinh hoạt thiền trà. Bài báo xác định kết quả giáo dục đạo đức Phật giáo cho 60 Tăng Ni sinh viên của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế qua tổ chức sinh hoạt thiền trà bằng việc sử dụng phối kết hợp các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng (phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi, phương pháp phỏng vấn). Kết quả giáo dục đạo đức Phật giáo cho Tăng Ni sinh viên qua tổ chức sinh hoạt thiền cho thấy, Tăng Ni sinh viên có nhận thức đầy đủ và thái độ tích cực về các giá trị đạo đức Phật giáo trong đời sống, đồng thời tham gia rèn luyện đạo đức Phật giáo thường xuyên hơn.
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 510
Bài viết đề cập đến việc đánh giá của người sử dụng lao động là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam về năng lực của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngoài công lập Việt Nam dựa trên tư liệu trong nước thu được từ cuộc khảo sát đánh giá năng lực sinh viên tốt nghiệp đại học ngoài công lập của đề tài KHGD/16-20. ĐT.017. Khảo sát sử dụng thang đo Linkert 5 mức độ với bốn tiêu chí: 1/ Sự phù hợp về chuyên môn đã được đào tạo với việc làm; 2/ Thái độ; 3/ Kĩ năng; 4/ Kết quả làm việc. Kết quả khảo sát cho thấy, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam có năng lực tốt song vẫn cần được bồi dưỡng thêm để có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của công việc. Phát hiện này là minh chứng quan trọng thể hiện sự đóng góp của các trường đại học ngoài công lập trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho thị trường lao động hiện nay cũng như định hướng cho những nỗ lực nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam.
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 466
Năng lực cảm xúc - xã hội được xem là nền tảng cho sức khỏe và sự thành công của con người. Với trẻ vị thành niên, năng lực cảm xúc - xã hội càng đặc biệt quan trọng bởi xuất phát từ đặc điểm lứa tuổi, nhu cầu về mối quan hệ xã hội tăng cao và đời sống cảm xúc có nhiều biến đổi phức tạp. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu thực trạng năng lực cảm xúc - xã hội của 1250 học sinh lớp 8 và lớp 9 của 8 trường trung học cơ sở thuộc 4 tỉnh, gồm Ninh Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Tiền Giang. Nghiên cứu sử dụng bảng hỏi về năng lực cảm xúc - xã hội do Zhou và Ee (2012) xây dựng. Kết quả cho thấy, trẻ vị thành niên trên địa bàn nghiên cứu có năng lực cảm xúc - xã hội phát triển ở mức trên trung bình và không đồng đều giữa các thành tố của năng lực. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp những thông tin hữu ích, định hướng cho việc xây dựng các chương trình phát triển năng lực cảm xúc - xã hội cho trẻ vị thành niên trong thời gian tới.
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 624
Năng lực hợp tác là một trong những năng lực quan trọng trong cuộc sống nói chung và học tập nói riêng. Phát triển năng lực hợp tác về bản chất là phát triển khả năng giao tiếp, tổ chức, quản lí và làm chủ các mối quan hệ. Trong dạy học Vật lí ở trường phổ thông, việc tổ chức dạy học theo mô hình kết hợp Blended learning (B-learning) là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp tăng cường khả năng giao tiếp, hợp tác, tương tác giữa giáo viên với học sinh cũng như giữa các em học sinh với nhau. Tác giả bài báo đề xuất quy trình tổ chức hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực hợp tác cho học sinh thông qua mô hình B-learning.
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 352
Trong xu thế toàn cầu hoá, vấn đề giáo dục công dân toàn cầu đã và đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia. Việt Nam trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với mục tiêu đào tạo ra những công dân có phẩm chất và năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Việc giáo dục công dân toàn cầu chính là góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Bài viết trình bày về mục tiêu giáo dục công dân toàn cầu Việt Nam; Xác định những địa chỉ có khả năng giáo dục công dân toàn cầu trong môn giáo dục công dân cấp Trung học cơ sở.Trên cơ sở đó, đề xuất định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá kết quả giáo dục công dân toàn cầu.
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 309
Bài viết phân tích thực trạng tạo động lực cho giảng viên cơ hữu tại 13 trường đại học ngoài công lập tại thành phố Hà Nội. Thông qua các số liệu thu thập được từ 500 bảng hỏi, tác giả đã so sánh và đánh giá các yếu tố tác động đến động lực làm việc của giảng viên thông qua đặc điểm công việc, thu thập, môi trường làm việc và sự thăng tiến để làm rõ hơn sự khác biệt của các nhóm giảng viên phân theo tuổi, giới tính, thời gian công tác, học vị.Từ kết quả đó, tác giả đề xuất một số giải pháp hữu ích nhằm hướng đến nâng cao hiệu quả tạo động lực làm việc cho giảng viên cơ hữu tại các trường đại học ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội.
Số: /2020 Số CIT: 0 Số lượt xem: 494
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực trong đó có giáo dục, nhiều mô hình trường học trực tuyến ra đời với những chương trình và phương pháp giảng dạy mới. Quá trình toàn cầu hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mở ra những cơ hội mới cho giáo dục Việt Nam. Năm 2017, theo Trung tâm Internet Việt Nam đánh giá thì tỉ lệ ngân sách và chi tiêu của người dân dành cho giáo dục là rất lớn, với hơn 67% người dân sử dụng Internet đây là một tiềm năng to lớn để phát triển E-learning và theo tác giả Akins (2016) nhận định thì Việt Nam được xem là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị trường giáo dục trực tuyến rất lớn vượt qua cả Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc. Song, chúng ta vẫn còn đang đối mặt với nhiều thách thức từ một hệ thống giáo dục thiếu tính mở và hạn chế về nguồn lực, dẫn đến chất lượng giáo dục và đào tạo trực tuyến chưa đạt yêu cầu của thực tiễn. Do vậy, nếu nhà trường không tìm cách thích ứng với xu thế mới thì rất dễ bị bỏ lại phía sau. Hơn bao giờ hết, đổi mới về nhận thức; đầu tư các nguồn lực phục vụ cho việc triển khai E-learning và đặc biệt việc bồi dưỡng kĩ năng, phương pháp giảng dạy trực tuyến cho đội ngũ giáo viên/ giảng viên cũng như hướng dẫn năng lực tự học của học sinh/sinh viên là hết sức cần thiết trong giai đoạn sắp tới.