Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 542
Xuất phát từ vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục phổ thông trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cũng như việc hoàn thiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, bài viết tập trung phân tích thực trạng số lượng, chất lượng và năng lực các trường sư phạm; thực trạng số lượng, chất lượng và năng lực đội ngũ nhà giáo và công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục phổ thông hiện nay. Từ đó, những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được đưa ra nhằm đáp ứng yêu cầu mới, khắc phục những tồn tại, bất cập về năng lực của các trường sư phạm, đội ngũ giảng viên sư phạm, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục phổ thông nhằm mục tiêu: Đến năm 2020, bảo đảm đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phù hợp với quy hoạch đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục phổ thông ở từng địa phương; Đến năm 2025, đội ngũ được chuẩn hóa ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 866
Bồi dưỡng phát triển nhân lực theo năng lực thực hiện là xu hướng khoa học. Hiệu trưởng trường trung học phổ thông là lực lượng đông đảo cần được bồi dưỡng phát triển năng lực để thực thi tốt các nhiệm vụ điều hành nhà trường trong bối cảnh đổi mới. Hiệu trưởng trường trung học phổ thông là người đứng đầu nhà trường có vai trò quan trọng nhất trong quá trình thiết lập những định hướng, tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản lí và thúc đẩy các hoạt động khác tạo sự thành công cho trường học. Bài viết đề cập khung năng lực của hiệu trưởng trường trung học phổ thông được xác định trên cơ sở lí luận và thực tiễn gắn với nhiệm vụ, vai trò, chức năng của hiệu trưởng trường trung học phổ thông hiện nay. Khung năng lực này sẽ là cơ sở để hoàn thiện chuẩn hiệu trưởng, phát triển chương trình bồi dưỡng, lựa chọn bổ nhiệm và đánh giá hiệu trưởng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 969
Để giáo dục có thể đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thời đại, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn về năng lực đối với giáo viên làm cơ sở cho việc đào tạo giáo viên. Trên cơ sở chuẩn năng lực đó, việc lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá đối với mỗi học phần được thực hiện theo định hướng hình thành năng lực. Bài viết giới thiệu các yêu cầu về năng lực đối với giáo viên tại một số quốc gia và khu vực trên thế giới, từ đó đề cập đến vấn đề hình thành năng lực cho giáo sinh qua dạy học và kết quả đối với học phần Giáo dục học, đồng thời tổ chức hoạt động giáo dục tại Trường Đại học Giáo dục.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 685
Bài viết đề cập đến vấn đề giáo dục giá trị sống cho học sinh trong nhà trường phổ thông. Trong bài, tác giả trình bày: 1/Một số quan niệm về giá trị; 2/Mười hai giá trị sống phổ quát mang tính chung toàn cầu cần giáo dục cho thế hệ trẻ; 3/Giá trị truyền thống trong đời sống tinh thần của dân tộc; 4/ Giáo dục giá trị sống cho học sinh trong nhà trường. Theo tác giả, xu thế toàn cầu hoá và cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay đã đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với nguồn nhân lực có chất lượng cao. Theo đó, giáo dục giá trị sống trong nhà trường phổ thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tạo nên sự phát triển hài hòa của cá nhân trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 447
Phát triển giáo dục và đào tạo luôn là đòn bẩy cho sự phát triển đất nước. Thực tế đó đòi hỏi nhiệm vụ rất nặng nề và cấp bách đối với nền giáo dục Việt Nam, cần phải đẩy mạnh đổi mới để phát triển và tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Và để đảm bảo sự thành công của quá trình đổi mới trên, nhân tố giữ vị trí then chốt, quyết định chính là chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục. Có được đội ngũ giáo viên chất lượng cao là nắm được chìa khóa để mở cánh cửa chất lượng của giáo dục và đào tạo. Do vậy, việc nghiên cứu để tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông của cả nước nói chung và của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng sẽ mang lại ý nghĩa lớn về mặt khoa học và thực tiễn.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 461
Trong công cuộc cải cách, mở cửa, cùng với những thành tựu về kinh tế - xã hội, Trung Quốc cũng đã đạt được những thành tựu to lớn về giáo dục và đào tạo. Trong đào tạo tiến sĩ, Trung Quốc đã tham khảo và vận dụng những kinh nghiệm hay của các nước phát triển vào điều kiện thực tế của quốc gia mình. Từ thực tế đào tạo tiến sĩ ở Đại học Nhân dân Trung Quốc, bài viết giới thiệu về quy trình đào tạo và một số vấn đề có liên quan đến đào tạo tiến sĩ ở Trung Quốc hiện nay, qua đó có thể đưa ra một số gợi mở cho việc đổi mới đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 731
Đánh giá giáo dục là quá trình thu thập, phân tích và lí giải các thông tin một cách có hệ thống để mô tả thực trạng, đối chiếu với mục tiêu giáo dục phổ thông. Qua đó, đưa ra nhận xét, kết luận, đề xuất các khuyến nghị làm cơ sở cho giáo viên, học sinh, cán bộ quản lí giáo dục và những thành phần liên đới khác có những quyết sách hoặc điều chỉnh các hoạt động tiếp theo nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục. Để việc đổi mới giáo dục có hiệu quả, những giải pháp đổi mới về đánh giá kết quả giáo dục cần thực hiện đồng bộ như: 1) Xây dựng các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá kết quả giáo dục về mức độ hoàn thành nhiện vụ học tập và rèn luyện phẩm chất, năng lực của học sinh phổ thông; 2) Xây dựng các trung tâm đánh giá kết quả giáo dục học sinh phổ thông độc lập; 3) Bảo đảm phương tiện hiện đại cho đánh giá kết quả giáo dục của học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, cần có thêm những giải pháp khác hỗ trợ như: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy; Nâng cao năng lực tổ chức, thực hiện và rèn luyện để đánh giá kết quả giáo dục học sinh phổ thông cho cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên; Tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đổi mới đánh giá kết quả giáo dục của học sinh phổ thông... để góp phần thực hiện được mục tiêu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 438
Việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong đối với các trường đại học ở Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần ưu tiên thực hiện trong bối cảnh hiện nay. Để nâng cao và cải tiến chất lượng giáo dục, các trường đại học cần thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nhằm giám sát, đánh giá việc thực hiện các hoạt động. Tuy nhiên, để công tác đảm bảo chất lượng trở thành hoạt động tự thân đối với mỗi đơn vị và hướng đến hình thành văn hóa chất lượng, các trường đại học phải có sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các thành viên đối với đơn vị chuyên trách trong toàn trường. Đồng thời, các trường cần chủ động kiểm soát chất lượng của đơn vị, nâng cao năng lực của những cán bộ thực hiện công tác đảm bảo chất lượng và giảng viên tham gia giảng dạy trong bối cảnh giáo dục đại học ngày càng phát triển.
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 520
Bài viết trình bày tổng quan các nghiên cứu về mô hình quản trị trường đại học công lập.Theo tác giả bài viết, tổng quan các nghiên cứu về mô hình quản trị trường đại học công lập sẽ cung cấp một bức tranh toàn cảnh về sự phát triển mô hình quản trị trường đại học công lập trên cả phương diện lí luận và thực tiễn. Những kết quả nghiên cứu cũng như các vấn đề còn chưa được giải quyết của các nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ làm chỗ dựa quan trọng để xây dựng cơ sở lí luận cho việc đề xuất mô hình quản trị trường đại học công lập trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
Số: /2021
Số CIT: 0
Số lượt xem: 1,012
Phân luồng học sinh là một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp của mỗi con người và sự phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Mặc dù chủ trương phân luồng học sinh đã được chỉ đạo thực hiện từ rất lâu nhưng cho đến nay thực tế triển khai vẫn còn nhiều bất cập, vẫn là một vấn đề khó và “nóng” thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng nguyên nhân chính là do công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông chưa thực sự có hiệu quả. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới chương trình giáo dục phổ thông với yêu cầu đổi mới phải bảo đảm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp. Bài viết phân tích vấn đề phân luồng học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm giúp các nhà quản lí, giáo viên phổ thông nhìn nhận tổng thể về vấn đề này khi thực hiện chương trình mới, từ đó thay đổi nhận thức và có các giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường, góp phần làm tốt công tác phân luồng học sinh.