Danh sách bài viết

Số: /2021 Số CIT: 0 Số lượt xem: 463
Lớp ghép - một hình thức tổ chức dạy học đặc thù ở vùng dân tộc thiểu số, đã và đang tồn tại ở Việt Nam trong nhiều thập kỉ qua. Các kết quả nghiên cứu và thực tiễn giáo dục đều khẳng định vai trò và những đóng góp quan trọng của lớp ghép đối với sự nghiệp phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số. Mặc dù được xác định là sẽ tồn tại lâu dài nhưng lớp ghép đang đối mặt với nhiều bất cập, đặc biệt là chất lượng dạy và học. Bài viết đưa ra những kĩ thuật dạy học lớp ghép và đề xuất một số nội dung cần bồi dưỡng cho giáo viên tiểu học vùng dân tộc thiểu số trước yêu cầu đổi mới giáo dục.
Số: /2021 Số CIT: 0 Số lượt xem: 520
Trong bối cảnh giáo dục hiện nay ở Việt Nam, vấn đề giáo dục phẩm chất được đặt lên hàng đầu. Từ trước tới nay, giáo viên chỉ dừng lại đánh giá phẩm chất học sinh thông qua môn học Đạo đức, chưa đi sâu vào đánh giá các biểu hiện phẩm chất cụ thể ở mỗi học sinh. Việc đánh giá phẩm chất của học sinh chủ quan, thiếu cơ sở khoa học nên không thể đánh giá chính xác mức độ lĩnh hội phẩm chất của học sinh, do đó không thể có những hoạt động can thiệp thích đáng, dẫn tới không thể phát triển được phẩm chất của học sinh. Chính vì vậy, tác giả bài viết tập trung phân tích về đánh giá phẩm chất học sinh phổ thông ở Việt Nam và một số kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này. Từ đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm về đánh giá phẩm chất học sinh phổ thông tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Số: /2021 Số CIT: 0 Số lượt xem: 590
Ngân hàng câu hỏi đóng vai trò quan trọng trong quá trình đánh giá chất lượng đào tạo về kiến thức, kĩ năng, thái độ của người học và đánh giá năng lực của thí sinh trong một kì thi. Để đánh giá xác thực năng lực của thí sinh thì ngân hàng câu hỏi có chất lượng là thành phần không thể thiếu. Dựa trên cơ sở phân tích lợi ích của ngân hàng câu hỏi, những hạn chế đối với ngân hàng câu hỏi, bài viết nghiên cứu một số phương pháp định cỡ câu hỏi, cách thức xây dựng và triển khai phương pháp đánh giá năng lực thích ứng thông qua ngân hàng câu hỏi đã được định cỡ các câu hỏi để đánh giá, phân loại năng lực thí sinh trong các kì thi. Trong đó, phương pháp định cỡ câu hỏi quyết định chất lượng ngân hàng câu hỏi, phương pháp đánh giá năng lực thích ứng nhằm tối ưu hóa thời gian, cách tổ chức đánh giá mà vẫn đảm bảo phân loại được năng lực thí sinh. Qua cách tiếp cận trên, các trường đại học có thể nghiên cứu áp dụng trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực thí sinh ở các kì thi.
Số: /2021 Số CIT: 0 Số lượt xem: 791
Cùng với sự thay đổi của yếu tố môi trường và yêu cầu của quá trình đổi mới giáo dục thì văn hóa nhà trường cần tạo nên sự thay đổi và phát triển tích cực hơn. Các giải pháp quản lí phát triển văn hóa nhà trường cao đẳng sư phạm bao gồm: (1) Xác định các giá trị văn hóa cốt lõi trong phát triển nhà trường; (2) Tổ chức xây dựng bộ tiêu chí đánh giá văn hóa nhà trường cao đẳng sư phạm; (3) Phát triển văn hóa giảng dạy trong nhà trường phù hợp với yêu cầu chung và chiến lược phát triển nhà trường trong giai đoạn mới; (4) Phát triển văn hóa trong học tập và rèn luyện cho sinh viên hướng đến xây dựng trường học thân thiện, sinh viên tích cực; (5) Xây dựng môi trường sư phạm thông qua việc kiến tạo “nhà trường học tập” trong phát triển văn hóa nhà trường. Việc đề xuất các giải pháp quản lí phát triển văn hóa nhà trường ở các trường sư phạm nhằm mục đích tạo nên một văn hóa nhà trường tích cực trong sự phát triển ổn định và bền vững trước bối cảnh đổi mới giáo dục
Số: /2021 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,257
Trí tuệ cảm xúc là một dạng năng lực có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của con người nói chung và với thanh thiếu niên nói riêng. Đây được xem là yếu tố có đóng góp đáng kể tới thành công học đường và cuộc sống của thanh thiếu niên. Mối tương quan nghịch giữa trí tuệ cảm xúc và hành vi nguy cơ ở thanh thiếu niên đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới chứng minh và điều đó góp phần khẳng định thêm ý nghĩa quan trọng của năng lực trí tuệ cảm xúc đối với sự phát triển của lứa tuổi này. Trí tuệ cảm xúc được xem như “tấm lá chắn” ngăn chặn những biểu hiện hành vi gây nguy hiểm ở thanh thiếu niên. Do đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần có định hướng và phương pháp giáo dục nhằm rèn luyện và nâng cao năng lực trí tuệ cảm xúc cho lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay.
Số: /2021 Số CIT: 0 Số lượt xem: 651
Bài viết phân tích vai trò quan trọng của việc sử dụng kênh hình trong dạy học Địa lí ở nhà trường phổ thông. Thông qua kênh hình, học sinh được quan sát trực quan về đối tượng nhận thức địa lí và tham gia trực tiếp các thao tác trên kênh hình nên học sinh có niềm tin vào tri thức được cung cấp, có nhu cầu tự giải quyết vấn đề để chiếm lĩnh tri thức mới. Các biện pháp cần thiết để sử dụng hiệu quả kênh hình trong dạy học Địa lí là: Lựa chọn kênh hình để tạo ra tính trực quan về đối tượng nhận thức địa lí; Ứng dụng công nghệ thông tin để thiết kế kênh hình; Sử dụng kênh hình kết hợp với các phương pháp dạy học hiện đại; Thiết kế các bài toán nhận thức thông qua khai thác kênh hình,...
Số: /2021 Số CIT: 0 Số lượt xem: 547
Xây dựng một xã hội học tập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình hướng tới một xã hội tiến bộ và phát triển bền vững, nhưng đó là một quá trình cần vượt qua nhiều khó khăn và thách thức. Việt Nam có 54 dân tộc anh em. Nếu các tỉnh miền núi và các vùng dân tộc không cùng nhau học tập, xây dựng xã hội học tập thì Việt Nam sẽ không thể xây dựng thành công là một xã hội học tập. Bài viết đề xuất một số giải pháp xây dựng xã hội học tập tại xã Tà Xùa - xã vùng cao chủ yếu là người dân tộc Mông sinh sống ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Số: /2021 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,215
Giáo dục đạo đức là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển con người thời kì đổi mới, thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam giai đoạn hiện nay. Và mới đây nhất, vấn đề này tiếp tục được Đảng khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 8 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự cấp thiết. Giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên là một hoạt động nhằm tác động đến tư tưởng, thái độ và hành vi của sinh viên. Qua đó, giúp sinh hiểu biết những hành vi đạo đức phù hợp với yêu cầu của ngành nghề và yêu cầu của xã hội. Quá trình giáo dục đạo đức nghề nghiệp luôn chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Bài viết phân tích sự ảnh hưởng của các yếu tố đến giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên đại học ngành Nông nghiệp
Số: /2021 Số CIT: 0 Số lượt xem: 505
Chính sách giảng viên đại học ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập trong việc tạo động lực và nâng cao năng lực đội ngũ trước yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bất cập sẽ gia tăng đáng kể khi giảng viên phải đối diện với những yêu cầu mới và phức tạp về đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy trước những đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bài viết tập trung phân tích: 1/Những thách thức cần vượt qua của giáo dục đại học Việt Nam; 2/ Các vấn đề đặt ra đối với giảng viên đại học ở Việt Nam; 3/ Một số bất cập trong chính sách giảng viên đại học. Theo tác giả bài viết, để khắc phục tình trạng này, cần chuyển sang tiếp cận tổng thể mà việc làm đầu tiên là sớm xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo.
Số: /2021 Số CIT: 0 Số lượt xem: 721
Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là xu hướng phổ biến trên thế giới, mang lại lợi ích thiết thực cho nhà trường, doanh nghiệp, người học và xã hội. Mô hình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE: Professional Oriented Higher Education) đã và đang chứng tỏ được sự phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá thực trạng quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển như Mĩ, Canada,... tác giả đề xuất giải pháp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam.