Danh sách bài viết

Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 336
Năng lực giáo dục kĩ năng sống của giáo viên tiểu học đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành những kĩ năng cần thiết cho học sinh, giúp các em đối mặt với những thách thức của cuộc sống hiện đại. Trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, năng lực giáo dục kĩ năng sống của giáo viên tiểu học là yếu tố cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các nghiên cứu này tập trung vào việc xây dựng và đánh giá các kĩ năng như tổ chức, giao tiếp và tương tác hiệu quả giữa giáo viên và học sinh, từ đó cải thiện quá trình dạy và học kĩ năng sống trong nhà trường. Bài viết tổng hợp các kết quả nghiên cứu quốc tế về năng lực giáo dục kĩ năng sống của giáo viên tiểu học, đồng thời đề xuất những định hướng quan trọng cho các nghiên cứu tiếp theo.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 431
Bài báo phân tích một số dữ liệu khảo sát để xác định những khó khăn và thách thức mà giáo viên môn Khoa học Tự nhiên phải đối mặt khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Qua việc xem xét các yếu tố liên quan đến chuyên môn đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất và cách thức phân công giảng dạy, bài báo làm rõ những thách thức của giáo viên khi triển khai Chương trình. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, một tỉ lệ đáng kể giáo viên gặp trở ngại trong việc thực hiện các hoạt động dạy học tích hợp, thiết kế bài kiểm tra đánh giá năng lực và tổ chức các hoạt động thực hành, thí nghiệm. Dựa trên việc nhận diện các thách thức cùng nguyên nhân của chúng cũng như mong muốn của giáo viên, bài báo đề xuất một số giải pháp nhằm từng bước giải quyết vướng mắc và nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình môn Khoa học Tự nhiên.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 335
Giáo dục thông minh là xu hướng tất yếu trong kỉ nguyên số, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc chuyển đổi mô hình đào tạo đại học - cao đẳng. Bài báo đề xuất một mô hình đào tạo đại học - cao đẳng theo định hướng giáo dục thông minh, dựa trên cơ sở lí luận về chương trình đào tạo và các nghiên cứu về giáo dục thông minh. Bằng phương pháp nghiên cứu tài liệu, phân tích tổng hợp và tham vấn chuyên gia, nghiên cứu đã xây dựng một khung lí thuyết toàn diện cho mô hình đào tạo thông minh. Mô hình đề xuất bao gồm sáu thành tố cốt lõi: (1) Mục tiêu đào tạo tích hợp kĩ năng số, (2) Chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, (3) Nội dung đào tạo linh hoạt và cá nhân hóa, (4) Phương pháp giảng dạy tương tác và tích hợp công nghệ và (5) Hệ thống đánh giá thông minh và liên tục. Ngoài ra, bài báo còn cung cấp một cái nhìn toàn diện về việc áp dụng giáo dục thông minh trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 327
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hành vi và sự thành công trong học tập của sinh viên chính là phong cách giảng dạy của giảng viên. Do đó, một hiểu biết sâu sắc về các phong cách giảng dạy khác nhau đang được các giảng viên sử dụng là cần thiết. Sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, nghiên cứu này cung cấp một bức tranh về xu hướng sử dụng phong cách của giảng viên sư phạm Trường Đại học Đồng Nai. Các giảng viên Sư phạm đã có sự điều chỉnh phong cách giảng dạy của mình tùy thuộc vào trình độ và nhu cầu học tập của sinh viên. Kết quả của nghiên cứu cung cấp một số cơ sở khoa học cần thiết cho các chiến lược hỗ trợ giảng viên lựa chọn và điều chỉnh phong cách giảng dạy hướng đến việc tối ưu hóa quá trình dạy học.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 342
Dựa trên lí thuyết học tập tại nơi làm việc thì bồi dưỡng năng lực tổ chức Hoạt động trải nghiệm cho giáo viên tiểu học được hiểu là các hoạt động phát triển các kĩ năng, kiến thức, thái độ và các đặc điểm khác của một cá nhân với tư cách là một giáo viên để họ giải quyết những khó khăn, thách thức trong tổ chức Hoạt động trải nghiệm cho học sinh cũng như những yêu cầu của thực tiễn đa dạng ngay tại nhà trường phổ thông. Trong bồi dưỡng năng lực tổ chức Hoạt động trải nghiệm cho giáo viên thì vai trò của người hiệu trưởng là vô cùng quan trọng, từ việc quản lí xác định nhu cầu, mục tiêu bồi dưỡng đến việc lên kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch sao cho đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hiệu quả. Bài viết phân tích các nội dung quản lí bồi dưỡng phát triển năng lực tổ chức Hoạt động trải nghiệm cho giáo viên tiểu học của hiệu trưởng theo lí thuyết học tập tại nơi làm việc.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 324
Đánh giá chính sách là một bước quan trọng trong chu trình chính sách của mỗi Chính phủ khi mà nó cung cấp những bằng chứng quan trọng cho việc điều chỉnh, cải thiện cũng như hoạch định những chính sách tiếp theo. Việc đánh giá chính sách sẽ góp phần giúp các chính phủ thực hiện tốt trách nhiệm giải trình với những bằng chứng về hiệu quả của các chính sách mà họ ban hành, đồng thời cũng gia tăng sự tín nhiệm của người dân (kể cả những đối tượng nằm ngoài phạm vi của chính sách) đối với Chính phủ của họ. Bài viết trình bày đề xuất về mô hình đánh giá hiệu quả của chính sách xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa - một chính sách lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam; Sử dụng các phương pháp định tính (phỏng vấn chuyên gia) và định lượng (phân tích nhân tố khám phá EFA), 29 chỉ báo về mục tiêu thuộc 04 nhóm nhân tố thể hiện hiệu quả của chính sách được xác định bao gồm: 1/ Hiệu quả về thể chế và quản lí; 2/ Hiệu quả về kinh tế; 3/ Hiệu quả về xã hội; 4/ Hiệu quả về nâng cao chất lượng giáo dục. Những kết quả này sẽ là cơ sở để tiến hành những nghiên cứu diện rộng để đánh giá hiệu quả của chính sách xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa trong giai đoạn tới.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 284
Nghiên cứu về phát triển đội ngũ cán bộ quản lí trường tiểu học tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre tập trung vào 05 nội dung chính: quy hoạch cán bộ; sắp xếp bố trí, sử dụng đội ngũ; đào tạo và bồi dưỡng; kiểm tra và đánh giá; chế độ chính sách. Các nội dung quy hoạch, sắp xếp, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lí chỉ ở mức Đạt yêu cầu. Chế độ chính sách đối với cán bộ quản lí được thực hiện ở mức Khá. Những kết quả này phản ánh rằng, công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lí trường tiểu học tại huyện Thạnh Phú đã nhận được sự chú ý, tuy nhiên vẫn cần có những nỗ lực và biện pháp đồng bộ hơn nữa để nâng cao hiệu quả trong tất cả các nội dung. Việc cải thiện toàn diện các nội dung này sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản lí và giáo dục ở các trường tiểu học trong huyện.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 352
Năng lực là tổ hợp của những thuộc tính bên trong, được chủ thể vận dụng vào thực hiện các hoạt động, giải quyết hiệu quả những vấn đề cụ thể trong cuộc sống. Năng lực không phải cái có sẵn và không giống nhau ở các cá nhân. Hình thành năng lực là một quá trình, chịu sự tác động từ các tác nhân bên ngoài (nhà trường, gia đình, xã hội) và từ chính những nỗ lực từ bên trong của bản thân chủ thể. Năng lực được cấu thành từ những bộ phận hợp thành, vì vậy để có được năng lực phải bắt đầu từ những kiến thức, hành vi cơ bản nhất. Việc người lớn thừa nhận, tin tưởng vào sự hình thành và phát triển năng lực có thể bắt đầu từ thời thơ bé và xác định được những năng lực nào cần hình thành có ý nghĩa rất quan trọng. Từ đây, quá trình giáo dục sẽ hướng vào người học nhiều hơn, mở ra những cơ hội cho sự phát triển, bộc lộ các năng lực của người học.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 389
Nghiên cứu tiến hành khảo sát 136 giáo viên qua Google Forms và phỏng vấn sâu 08 giáo viên đang tham gia giảng dạy theo chương trình môn Ngữ văn 2018 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long về thực trạng bốn yếu tố chính ảnh hưởng đến việc dạy học đọc hiểu văn bản văn học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh ở trường trung học phổ thông, gồm: 1) Giáo viên; 2) Học sinh; 3) Ngữ liệu (văn bản đọc); 4) Điều kiện tổ chức dạy học. Kết quả cho thấy, tất cả yếu tố này đều được đa số giáo viên đánh giá có ảnh hưởng nhiều hoặc rất nhiều. Từ kết quả nghiên cứu thực trạng, bốn giải pháp kiến nghị được đề xuất để góp phần nâng cao hiệu quả của việc dạy học đọc hiểu văn bản văn học cho học sinh, đáp ứng mục tiêu cũng như yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.