Trong vài năm trở lại đây, phương pháp so chuẩn đối sánh được sử dụng tại các cơ sở giáo dục đại học nhằm đánh giá thực trạng và được xem là một trong những công cụ để phục vụ trong việc bảo đảm và cải tiến chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, sử dụng phương pháp so chuẩn đối sánh giúp cho các cơ sở giáo đặc biệt là cơ sở giáo dục đại học tư thục xác định được vị thế, tham gia gắn sao, gia tăng chỉ số xếp hạng trong hệ thống giáo dục đại học trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp so chuẩn đối sánh tại các cơ sở giáo dục đại học tư thục đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy, nghiên cứu này đã thu thập, phân tích và đề xuất những giải pháp để các cơ sở giáo dục đại học tư thục giải quyết những khó khăn trong việc so chuẩn đối sánh chất lượng giáo dục đại học hiện nay.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa sự thoả mãn các nhu cầu trong công việc và động lực làm việc của giáo viên Tiểu học; Thông qua bảng câu hỏi tự thuật Self-Report, nhóm tác giả khảo sát lấy ý kiến của 91 giáo viên của các trường tiểu học thuộc 2 tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An để tìm hiểu thực trạng động lực làm việc, mức độ thoả mãn các nhu cầu trong công việc và mối quan hệ giữa các yếu tố trên. Bài viết cũng thảo luận những kết quả nghiên cứu và đề xuất hàm ý quản trị nhằm nâng cao động lực làm việc của cán bộ, giáo viên tiểu học.
Lòng biết ơn thuộc phạm trù cảm xúc - xã hội, là thuộc tính cá nhân quan trọng, giúp hình thành, phát triển toàn diện nhân cách của con người. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lòng biết ơn đã xuất hiện ở trẻ mầm non. Đây là thời điểm thuận lợi để giáo dục lòng biết ơn cho trẻ với các phương thức khác nhau. Bằng cách hồi cứu tài liệu liên quan, bài viết trình bày khái quát kết quả nghiên cứu trên thế giới về giáo dục lòng biết ơn cho trẻ mầm non, từ đó định hướng một số vấn đề cần quan tâm ở các nghiên cứu tiếp theo.
Năng lực giao tiếp và hợp tác là một nhóm năng lực quan trọng được xem là một trong những giải pháp chủ yếu để con người chung sống, phát triển. Hình thành và phát triển nhóm năng lực này về bản chất là phát triển khả năng làm việc nhóm, khả năng tổ chức, quản lí, tương tác và làm chủ các mối quan hệ. Việc nghiên cứu năng lực giao tiếp và hợp tác là hoạt động quan trọng để thúc đẩy phát triển năng lực này. Trong bài viết này, nhóm tác giả đưa ra các nhận định của giáo viên trung học cơ sở về hoạt động giáo dục cũng như thực tiễn triển khai dạy học có hướng đến phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác cho học sinh thông qua môn Khoa học tự nhiên. Bước đầu làm cơ sở triển khai nghiên cứu và xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực giao tiếp và hợp tác.
Giáo viên luôn được xem là nhân tố quan trọng nhất trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh về vai trò của giáo viên trong việc ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của mình, giáo viên chịu tác động, ảnh hưởng từ nhiều đối tượng và các thành tố liên quan đến các hoạt động giáo dục, do đó có thể gặp nhiều những thách thức, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện đổi mới chương trình. Bài viết trình bày kinh nghiệm của một số nước trong giải quyết những thách thức và vấn đề đối với giáo viên khi thực hiện Chương trình mới, từ đó đề xuất một số khuyến nghị về giải pháp giúp giáo viên Việt Nam vượt qua các thách thức để góp phần triển khai thành công Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Phát triển phẩm chất và năng lực cho trẻ mầm non là một trong những cách tiếp cận quan trọng trong việc nghiên cứu biên soạn Chương trình Mầm non mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay. Đây cũng là xu hướng tiếp cận mà nhiều chương trình mầm non của các nước phát triển trên thế giới đang triển khai và thực hiện. Bằng cách sử dụng phương pháp nghiên cứu tổng quan tài liệu về những luận điểm mới liên quan đến giáo dục mầm non, bài viết hệ thống lại một số luận điểm mới trong sự phát triển tâm-sinh lí trẻ em lứa tuổi mầm non cũng như các quan điểm giáo dục hiện đại về phát triển phẩm chất năng lực trẻ em: phát triển năng lực bản thân - “Cái tôi bản thể”, phát triển năng lực nhận thức, phát triển năng lực cảm xúc xã hội, năng lực tổng hợp STEAM nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của từng trẻ em trong bối cảnh xã hội hiện nay, từ đó làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục Việt Nam.
Thực hành tiếng Việt là một trong những nội dung dạy học trong môn Ngữ văn hiện nay. Giống như các nội dung đọc, viết, nói và nghe, dạy học Thực hành tiếng Việt cũng được tổ chức thông qua các hoạt động dạy học. Để tổ chức tốt các hoạt động này, rất cần một phương tiện, đó là bài tập. Giờ học Thực hành tiếng Việt nói riêng và Ngữ văn nói chung có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống bài tập. Tuy nhiên, việc xây dựng bài tập để tổ chức tốt hoạt động dạy học phụ thuộc vào nhiều yếu tố và là một thách thức đối với nhiều giáo viên. Bài viết nghiên cứu quan niệm, vai trò, yêu cầu, quy trình xây dựng bài tập trong dạy học nội dung Thực hành tiếng Việt nhằm giúp giáo viên nâng cao kĩ năng xây dựng bài tập để tổ chức hiệu quả hoạt động dạy học nội dung này.
Cơ sở vật chất trong các cơ sở giáo dục mầm non là một trong các điều kiện để thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non. Đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở vật chất của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập là một việc làm quan trọng và cần thiết. Tiêu chuẩn cơ sở vật chất là các quy định về diện tích đất/diện tích phòng/nhóm và quy cách đối với các cơ sở vật chất khác nhau trong khuôn viên và các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu bên trong các phòng/lớp của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập đó đảm bảo điều kiện cho việc vận hành cơ sở giáo dục mầm non độc lập, nhằm thực hiện các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo Chương trình Giáo dục mầm non. Bài viết sử dụng phương pháp hồi cứu tư liệu và phương pháp nghiên cứu lí luận nhằm đề xuất quy trình xây dựng tiêu chuẩn cơ sở vật chất từ việc phân tích bối cảnh của việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở vật chất nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; Biên soạn dự thảo tiêu chuẩn cơ sở vật chất; Lấy ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo tiêu chuẩn; Thẩm định tiêu chuẩn tiêu chuẩn; Công bố tiêu chuẩn; Xuất bản và phát hành tiêu chuẩn cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.
Hệ thống lí luận và thực tiễn về dạy học theo tiếp cận năng lực đã khẳng định rằng, đây là hướng tiếp cận có thể bảo đảm cho giáo dục đại học nói chung, giáo dục đại học trong quân đội nói riêng đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, quân đội. Bài viết trình bày thực trạng dạy học môn Giáo dục học quân sự ở 5 trường đại học trong quân đội theo tiếp cận năng lực, gồm: nhận thức về sự phù hợp của dạy học môn Giáo dục học quân sự theo tiếp cận năng lực; thiết kế bài học theo tiếp cận năng lực; sử dụng phương pháp dạy học theo tiếp cận năng lực và kết quả hình thành năng lực sư phạm quân sự cho học viên thông qua dạy học môn Giáo dục học quân sự ở các trường đại học trong quân đội. Qua phân tích thực trạng, bài viết sử dụng kiểm định Independent Sample T-test để đánh giá sự khác biệt giữa ý kiến của cán bộ quản lí, giảng viên và học viên về các nội dung khảo sát.
Bài viết tập trung vào việc nghiên cứu sự hài lòng của sinh viên đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên tiếng Anh tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông. Phương pháp nghiên cứu sử dụng trong bài viết là khảo sát trực tiếp 200 sinh viên tại trường. Kết quả của nghiên cứu được phân tích và tổng hợp để đánh giá mức độ hài lòng của sinh viên đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên tiếng Anh tại trường. Kết quả này cung cấp thông tin quan trọng về những điểm mạnh và điểm yếu của giảng viên tiếng Anh, từ đó đề xuất các giải pháp để nâng cao sự hài lòng và hiệu quả học tập của sinh viên.