Danh sách bài viết

Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 316
Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu thông tin, kiến thức và kinh nghiệm về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của cán bộ quản lí và giáo viên các trường trung học cơ sở công lập khu vực Đông Nam Bộ (Nghiên cứu trường hợp tại 3 tỉnh: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Tây Ninh) là kênh thông tin hỗ trợ phát triển văn hóa chất lượng trong trường trung học cơ sở. Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính. Mẫu khảo sát được chọn ngẫu nhiên thuận tiện, thông tin được thu thập bằng phiếu khảo sát với 749 cán bộ quản lí và 3.831 giáo viên, phỏng vấn 22 cán bộ quản lí và 42 giáo viên. Kết quả phân tích và bàn luận cho thấy thông tin, kiến thức và kinh nghiệm về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của cán bộ quản lí và giáo viên giữa 3 tỉnh không có sự chênh lệch đáng kể; giữa các nguồn thông tin, các đối tượng tham gia vào hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và các hình thức tiếp nhận kiến thức, kinh nghiệm về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục có sự chênh lệch đáng kể. Từ kết quả nghiên cứu, các trường cần công khai rộng rãi hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với xã hội để các bên liên quan theo dõi, giám sát và thúc đẩy phát triển văn hóa chất lượng bên trong nhà trường
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 498
Đánh giá chất lượng giáo dục mầm non địa phương theo mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4) là một hoạt động nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non của các đơn vị trong phạm vi tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã/cơ sở giáo dục mầm non. Nghiên cứu dựa trên khung lí luận về đánh giá chất lượng giáo dục mầm non, các quy định pháp lí quốc gia và địa phương để xác định các thành tố biểu hiện của chất lượng giáo dục mầm non trong mối quan hệ với SDG4; từ đó, đề xuất các tiêu chí, chỉ số đánh giá có thể áp dụng ở cấp độ địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương tự thu thập minh chứng, đánh giá thực trạng và nhận diện chất lượng giáo dục mầm non ở địa phương mình và hướng đích của giáo dục mầm non tới sự phát triển bền vững của quốc gia và thế giới.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 642
Tích hợp nội dung giáo dục vì sự phát triển bền vững vào các môn học ở trường phổ thông được các quốc gia thực hiện tương đối phổ biến. Ở Việt Nam, mặc dù Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo quan điểm tích hợp nhưng các nội dung phát triển bền vững chưa được thể hiện rõ nét, đặc biệt là sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục. Do vậy, cần thiết phải có những nghiên cứu đưa ra cách thức tích hợp để giáo viên tham khảo. Trên cơ sở phân tích và kế thừa các nghiên cứu trước đó, bài báo đề xuất quy trình xây dựng chủ đề tích hợp giáo dục vì sự phát triển bền vững trong dạy học “Sinh thái học và môi trường” (Sinh học 12) và minh họa cụ thể thông qua chủ đề “Hệ sinh thái và vấn đề phát triển bền vững”. Kết quả nghiên cứu giúp giáo viên môn Sinh học có thể vận dụng vào xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp ở các nội dung khác trong môn học, đồng thời là cơ sở cho việc đề xuất quy trình tổ chức dạy học các chủ đề tích hợp giáo dục vì sự phát triển bền vững tiếp theo.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,538
ChatGPT đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ nhiều lĩnh vực khác nhau như luật, y tế, kinh tế và giáo dục… Trong giáo dục, ChatGPT được xem không chỉ là một công cụ tiềm năng để cải thiện trải nghiệm học tập và giảng dạy mà còn là một công cụ học tiếng Anh hữu ích và đầy hứa hẹn. Vì vậy, bài viết nghiên cứu thái độ và nhận thức của sinh viên khi sử dụng ChatGPTđể học tiếng Anh. Đối tượng tham gia nghiên cứu là 150 sinh viên năm thứ 2 tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên. Dữ liệu thu thập từ bảng khảo sát trực tuyến sẽ được phân tích để đánh giá tỉ lệ phần trăm cho các câu trả lời. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, ChatGPT đã đạt được mức độ hiệu quả và sự hài lòng đáng kể từ người dùng trong việc hỗ trợ học Tiếng Anh và khi sinh viên có hiểu biết và nhận thức đúng đắn về công nghệ này, họ có thể tận dụng tối đa các ưu điểm và tính năng của nó để cải thiện quá trình học tập của mình.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 281
Hoạt động bồi dưỡng là nhiệm vụ quan trọng của trường chính trị để hoàn thành tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII. Trong bối cảnh các trường chính trị trên cả nước đẩy mạnh xây dựng trường chính trị chuẩn, việc tăng cường quản lí hoạt động bồi dưỡng không những thúc đẩy tiến độ đạt chuẩn mà còn là biện pháp quan trọng để các trường chính trị tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng, bài viết đề xuất một số biện pháp quản lí hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị khu vực Bắc Trung Bộ đáp ứng trường chính trị chuẩn.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 494
Năng lực giáo dục kĩ năng sống của giáo viên tiểu học đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành những kĩ năng cần thiết cho học sinh, giúp các em đối mặt với những thách thức của cuộc sống hiện đại. Trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, năng lực giáo dục kĩ năng sống của giáo viên tiểu học là yếu tố cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các nghiên cứu này tập trung vào việc xây dựng và đánh giá các kĩ năng như tổ chức, giao tiếp và tương tác hiệu quả giữa giáo viên và học sinh, từ đó cải thiện quá trình dạy và học kĩ năng sống trong nhà trường. Bài viết tổng hợp các kết quả nghiên cứu quốc tế về năng lực giáo dục kĩ năng sống của giáo viên tiểu học, đồng thời đề xuất những định hướng quan trọng cho các nghiên cứu tiếp theo.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 581
Bài báo phân tích một số dữ liệu khảo sát để xác định những khó khăn và thách thức mà giáo viên môn Khoa học Tự nhiên phải đối mặt khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Qua việc xem xét các yếu tố liên quan đến chuyên môn đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất và cách thức phân công giảng dạy, bài báo làm rõ những thách thức của giáo viên khi triển khai Chương trình. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, một tỉ lệ đáng kể giáo viên gặp trở ngại trong việc thực hiện các hoạt động dạy học tích hợp, thiết kế bài kiểm tra đánh giá năng lực và tổ chức các hoạt động thực hành, thí nghiệm. Dựa trên việc nhận diện các thách thức cùng nguyên nhân của chúng cũng như mong muốn của giáo viên, bài báo đề xuất một số giải pháp nhằm từng bước giải quyết vướng mắc và nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình môn Khoa học Tự nhiên.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 438
Giáo dục thông minh là xu hướng tất yếu trong kỉ nguyên số, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc chuyển đổi mô hình đào tạo đại học - cao đẳng. Bài báo đề xuất một mô hình đào tạo đại học - cao đẳng theo định hướng giáo dục thông minh, dựa trên cơ sở lí luận về chương trình đào tạo và các nghiên cứu về giáo dục thông minh. Bằng phương pháp nghiên cứu tài liệu, phân tích tổng hợp và tham vấn chuyên gia, nghiên cứu đã xây dựng một khung lí thuyết toàn diện cho mô hình đào tạo thông minh. Mô hình đề xuất bao gồm sáu thành tố cốt lõi: (1) Mục tiêu đào tạo tích hợp kĩ năng số, (2) Chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, (3) Nội dung đào tạo linh hoạt và cá nhân hóa, (4) Phương pháp giảng dạy tương tác và tích hợp công nghệ và (5) Hệ thống đánh giá thông minh và liên tục. Ngoài ra, bài báo còn cung cấp một cái nhìn toàn diện về việc áp dụng giáo dục thông minh trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 794
Giáo dục STEM gần như đã trở thành một trong những trọng tâm của nền giáo dục Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, nghiên cứu về điều kiện đảm bảo giáo dục STEM vẫn chưa được thực hiện tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, nghiên cứu hiện tại tiến hành khảo sát các điều kiện đảm bảo giáo dục STEM bằng phương pháp điều tra bảng hỏi và phỏng vấn nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục STEM tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu chỉ ra rằng, sự hạn chế về mặt nhận thức của các lực lượng giáo dục về các vấn đề có liên quan đến giáo dục STEM, tính chặt chẽ về mặt quản lí, cơ sở vật chất đã có những tác động đáng kể lên sự phát triển của công tác giáo dục STEM của sinh viên Sư phạm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, vấn đề đảm bảo cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và các cập nhật liên quan đến giáo dục STEM trong thế kỉ XXI được cho là những vấn đề cần tiếp tục quan tâm để cải tiến nhằm đáp ứng các yêu cầu của việc triển khai giáo dục STEM trong bối cảnh thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 404
Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh tiểu học là một trong những nhiệm vụ giáo dục quan trọng thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập. Lí luận về trải nghiệm cho thấy vai trò quan trọng của trải nghiệm trong tổ chức giáo dục kĩ năng sống cho học sinh tiểu học. Nhiều nhà giáo dục áp dụng các mô hình học tập trải nghiệm trong tổ chức hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, mô hình học tập trải nghiệm chỉ phản ánh quá trình học tập đề hình thành tri thức của người học. Trên cơ sở các mô hình học tập trải nghiệm, Christian M.Itin đã đề xuất mô hình giáo dục trải nghiệm chỉ rõ mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh đối với hoạt động giáo dục thông qua trải nghiệm. Căn cứ vào mô hình giáo dục trải nghiệm của Itin, bài viết đề xuất quy trình vận dụng mô hình giáo dục trải nghiệm của Itin trong thiết kế hoạt động giáo dục kĩ năng sống góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục kĩ năng sống cho học sinh tiểu học.