Danh sách bài viết

Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 323
Dữ liệu nghiên cứu là một trong những sản phẩm giá trị nhất của phần lớn các nghiên cứu. Việc công khai các bộ dữ liệu nghiên cứu dưới dạng miễn phí và truy cập mở do đó trở thành một trong những thực hành cốt lõi của phong trào khoa học mở. Trong bối cảnh này, xuất bản các bài báo dữ liệu là một lựa chọn tối ưu, không chỉ để công bố dữ liệu mà còn cung cấp các mô tả cần thiết giúp đồng nghiệp và cộng đồng nghiên cứu dễ dàng tìm kiếm, truy cập và tái sử dụng. Tuy nhiên, việc xuất bản dữ liệu vẫn là một thực hành chưa phổ biến và còn xa lạ đối với các nhà khoa học Việt Nam. Nghiên cứu này tập trung xem xét các bài báo dữ liệu thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội của các tác giả Việt Nam được công bố trên các tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu SCOPUS. Kết quả cho thấy, có 57 bài báo dữ liệu được ghi nhận, với số lượng vượt mốc 10 bài/năm từ năm 2020, trùng với thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, trong đó các công bố nổi bật chủ yếu thuộc lĩnh vực giáo dục. Phần lớn các bài báo được công bố trên Tạp chí Data in Brief. Ngoài ra, nghiên cứu cũng liệt kê các nguồn tài trợ cho các bài báo dữ liệu và thảo luận về tầm quan trọng của thực hành này đối với cộng đồng học thuật Việt Nam.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 404
Nghiên cứu về phát triển đội ngũ cán bộ quản lí trường tiểu học tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre tập trung vào 05 nội dung chính: quy hoạch cán bộ; sắp xếp bố trí, sử dụng đội ngũ; đào tạo và bồi dưỡng; kiểm tra và đánh giá; chế độ chính sách. Các nội dung quy hoạch, sắp xếp, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lí chỉ ở mức Đạt yêu cầu. Chế độ chính sách đối với cán bộ quản lí được thực hiện ở mức Khá. Những kết quả này phản ánh rằng, công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lí trường tiểu học tại huyện Thạnh Phú đã nhận được sự chú ý, tuy nhiên vẫn cần có những nỗ lực và biện pháp đồng bộ hơn nữa để nâng cao hiệu quả trong tất cả các nội dung. Việc cải thiện toàn diện các nội dung này sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản lí và giáo dục ở các trường tiểu học trong huyện.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 444
Năng lực là tổ hợp của những thuộc tính bên trong, được chủ thể vận dụng vào thực hiện các hoạt động, giải quyết hiệu quả những vấn đề cụ thể trong cuộc sống. Năng lực không phải cái có sẵn và không giống nhau ở các cá nhân. Hình thành năng lực là một quá trình, chịu sự tác động từ các tác nhân bên ngoài (nhà trường, gia đình, xã hội) và từ chính những nỗ lực từ bên trong của bản thân chủ thể. Năng lực được cấu thành từ những bộ phận hợp thành, vì vậy để có được năng lực phải bắt đầu từ những kiến thức, hành vi cơ bản nhất. Việc người lớn thừa nhận, tin tưởng vào sự hình thành và phát triển năng lực có thể bắt đầu từ thời thơ bé và xác định được những năng lực nào cần hình thành có ý nghĩa rất quan trọng. Từ đây, quá trình giáo dục sẽ hướng vào người học nhiều hơn, mở ra những cơ hội cho sự phát triển, bộc lộ các năng lực của người học.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 624
Nghiên cứu tiến hành khảo sát 136 giáo viên qua Google Forms và phỏng vấn sâu 08 giáo viên đang tham gia giảng dạy theo chương trình môn Ngữ văn 2018 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long về thực trạng bốn yếu tố chính ảnh hưởng đến việc dạy học đọc hiểu văn bản văn học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh ở trường trung học phổ thông, gồm: 1) Giáo viên; 2) Học sinh; 3) Ngữ liệu (văn bản đọc); 4) Điều kiện tổ chức dạy học. Kết quả cho thấy, tất cả yếu tố này đều được đa số giáo viên đánh giá có ảnh hưởng nhiều hoặc rất nhiều. Từ kết quả nghiên cứu thực trạng, bốn giải pháp kiến nghị được đề xuất để góp phần nâng cao hiệu quả của việc dạy học đọc hiểu văn bản văn học cho học sinh, đáp ứng mục tiêu cũng như yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 554
Để thực hiện công việc có hiệu quả trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học, kĩ thuật và công nghệ, người lao động cần có năng lực tư duy bậc cao, trong đó có tư duy phản biện. Do đặc thù của ngành nghề, năng lực tư duy phản biện đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhân viên ngành Nhân sự tại các doanh nghiệp. Vì vậy, bồi dưỡng năng lực tư duy phản biện cho nhân viên khối ngành Nhân sự gắn với đặc điểm ngành nghề và hoạt động đào tạo nội bộ là việc làm cần được thực hiện tại doanh nghiệp nhằm giúp họ nâng cao hiệu quả làm việc. Mục đích của nghiên cứu này là: 1) Xác lập khái niệm và đặc điểm năng lực tư duy phản biện của nhân viên khối ngành Nhân sự; 2) Phân tích các vấn đề lí luận về phương pháp dạy học tranh biện: Khái niệm, nguyên tắc tranh biện, quy trình tổ chức dạy học tranh biện; 3) Minh hoạ áp dụng quy trình tổ chức dạy học tranh biện trong khóa học bồi dưỡng năng lực tư duy phản biện cho nhân viên ngành Nhân sự tại doanh nghiệp. Ngoài ra, nghiên cứu này còn thảo luận về các hạn chế và định hướng nghiên cứu trong tương lai.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 315
Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu thông tin, kiến thức và kinh nghiệm về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của cán bộ quản lí và giáo viên các trường trung học cơ sở công lập khu vực Đông Nam Bộ (Nghiên cứu trường hợp tại 3 tỉnh: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Tây Ninh) là kênh thông tin hỗ trợ phát triển văn hóa chất lượng trong trường trung học cơ sở. Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính. Mẫu khảo sát được chọn ngẫu nhiên thuận tiện, thông tin được thu thập bằng phiếu khảo sát với 749 cán bộ quản lí và 3.831 giáo viên, phỏng vấn 22 cán bộ quản lí và 42 giáo viên. Kết quả phân tích và bàn luận cho thấy thông tin, kiến thức và kinh nghiệm về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của cán bộ quản lí và giáo viên giữa 3 tỉnh không có sự chênh lệch đáng kể; giữa các nguồn thông tin, các đối tượng tham gia vào hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và các hình thức tiếp nhận kiến thức, kinh nghiệm về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục có sự chênh lệch đáng kể. Từ kết quả nghiên cứu, các trường cần công khai rộng rãi hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với xã hội để các bên liên quan theo dõi, giám sát và thúc đẩy phát triển văn hóa chất lượng bên trong nhà trường
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 494
Đánh giá chất lượng giáo dục mầm non địa phương theo mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4) là một hoạt động nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non của các đơn vị trong phạm vi tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã/cơ sở giáo dục mầm non. Nghiên cứu dựa trên khung lí luận về đánh giá chất lượng giáo dục mầm non, các quy định pháp lí quốc gia và địa phương để xác định các thành tố biểu hiện của chất lượng giáo dục mầm non trong mối quan hệ với SDG4; từ đó, đề xuất các tiêu chí, chỉ số đánh giá có thể áp dụng ở cấp độ địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương tự thu thập minh chứng, đánh giá thực trạng và nhận diện chất lượng giáo dục mầm non ở địa phương mình và hướng đích của giáo dục mầm non tới sự phát triển bền vững của quốc gia và thế giới.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 638
Tích hợp nội dung giáo dục vì sự phát triển bền vững vào các môn học ở trường phổ thông được các quốc gia thực hiện tương đối phổ biến. Ở Việt Nam, mặc dù Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo quan điểm tích hợp nhưng các nội dung phát triển bền vững chưa được thể hiện rõ nét, đặc biệt là sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục. Do vậy, cần thiết phải có những nghiên cứu đưa ra cách thức tích hợp để giáo viên tham khảo. Trên cơ sở phân tích và kế thừa các nghiên cứu trước đó, bài báo đề xuất quy trình xây dựng chủ đề tích hợp giáo dục vì sự phát triển bền vững trong dạy học “Sinh thái học và môi trường” (Sinh học 12) và minh họa cụ thể thông qua chủ đề “Hệ sinh thái và vấn đề phát triển bền vững”. Kết quả nghiên cứu giúp giáo viên môn Sinh học có thể vận dụng vào xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp ở các nội dung khác trong môn học, đồng thời là cơ sở cho việc đề xuất quy trình tổ chức dạy học các chủ đề tích hợp giáo dục vì sự phát triển bền vững tiếp theo.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,533
ChatGPT đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ nhiều lĩnh vực khác nhau như luật, y tế, kinh tế và giáo dục… Trong giáo dục, ChatGPT được xem không chỉ là một công cụ tiềm năng để cải thiện trải nghiệm học tập và giảng dạy mà còn là một công cụ học tiếng Anh hữu ích và đầy hứa hẹn. Vì vậy, bài viết nghiên cứu thái độ và nhận thức của sinh viên khi sử dụng ChatGPTđể học tiếng Anh. Đối tượng tham gia nghiên cứu là 150 sinh viên năm thứ 2 tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên. Dữ liệu thu thập từ bảng khảo sát trực tuyến sẽ được phân tích để đánh giá tỉ lệ phần trăm cho các câu trả lời. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, ChatGPT đã đạt được mức độ hiệu quả và sự hài lòng đáng kể từ người dùng trong việc hỗ trợ học Tiếng Anh và khi sinh viên có hiểu biết và nhận thức đúng đắn về công nghệ này, họ có thể tận dụng tối đa các ưu điểm và tính năng của nó để cải thiện quá trình học tập của mình.