Danh sách bài viết

Số: /2025 Số CIT: 0 Số lượt xem: 193
Sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên đang trở thành một mối quan tâm cấp bách trong bối cảnh toàn cầu. Tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều chính sách và chương trình nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần cho học sinh, đặc biệt ở bậc Phổ thông. Một nghiên cứu với sự tham gia của 847 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại Hà Nội cho thấy, 24,44% học sinh có các biểu hiện về sức khỏe tâm thần, trong khi 18,77% thuộc nhóm có nguy cơ cao. Các vấn đề thường gặp bao gồm khó khăn về hành vi, mối quan hệ bạn bè và cảm xúc. Đáng chú ý là, học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc học các môn Toán (11,3%), Ngoại ngữ (9,9%), Ngữ văn (9,2%) và Khoa học tự nhiên (7,8%). Ngoài ra, các khó khăn trong quan hệ xã hội và gia đình cũng được ghi nhận. Các triệu chứng tâm lí phổ biến như lo âu, thay đổi tâm trạng và khó khăn trong việc tập trung học tập là những dấu hiệu nổi bật. Đặc biệt, học sinh lớp 6 và lớp 8 cho thấy nguy cơ cao hơn đối với các vấn đề liên quan đến cảm xúc và hành vi. Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các biện pháp can thiệp tâm lí trong trường học nhằm hỗ trợ học sinh vượt qua các khó khăn và phát triển toàn diện.
Số: /2025 Số CIT: 0 Số lượt xem: 937
Thực tế cho thấy, nhiều học sinh gặp khó khăn trong việc giải quyết các bài toán có lời văn. Nguyên nhân bởi vì hạn chế khả năng phân tích, sắp xếp dữ kiện, lập kế hoạch và đánh giá bài giải. Mục tiêu chính của nghiên cứu là đề xuất các biện pháp giúp học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 5, phát triển năng lực giải quyết vấn đề Toán học trong khi học giải toán có lời văn. Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của Toán học trong giáo dục và đời sống, đồng thời cho thấy rằng, việc giải toán không chỉ đơn thuần là tìm ra đáp án mà còn là quá trình phát triển tư duy logic và khả năng phân tích. Bằng cách phát triển từng năng lực thành tố, nghiên cứu khẳng định rằng, học sinh không chỉ nâng cao kiến thức Toán học mà còn phát triển tư duy sáng tạo và tự tin hơn trong việc đối mặt với các thử thách học tập. Các biện pháp được đề xuất không chỉ hỗ trợ học sinh mà còn cung cấp tài liệu tham khảo hữu ích cho giáo viên tiểu học và sinh viên ngành Giáo dục tiểu học.
Số: /2025 Số CIT: 0 Số lượt xem: 159

Kết quả của quá trình giáo dục trên trẻ được biểu đạt dưới hình thức kết quả mong đợi/những mong muốn phát triển ở mọi trẻ em. Các mong đợi này ở mức độ chung hướng đến các giá trị/năng lực ở trẻ mà giáo dục mỗi quốc gia chú trọng đến và mong muốn hình thành ở trẻ. Chúng đều là các kì vọng chung về những điều trẻ em phải biết và có thể làm vào cuối mỗi giai đoạn tuổi. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu lí luận như hồi cứu tư liệu, báo cáo; các kết quả nghiên cứu và tổng kết kinh nghiệm giáo dục để hệ thống hóa các khái niệm về kết quả mong đợi trong Chương trình Giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực. Tìm hiểu kinh nghiệm của Chương trình Giáo dục mầm non New Zealand, từ đó đề xuất bài học và khuyến nghị về cách thể hiện kết quả mong đợi trong Chương trình Giáo dục mầm non phù hợp với Việt Nam.

Số: /2025 Số CIT: 0 Số lượt xem: 191
Đánh giá mức độ đạt được chuẩn đầu ra của học phần là một yêu cầu quan trọng trong công tác bảo đảm, nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá. Đối với yêu cầu chất lượng của các tổ chức kiểm định quốc tế như ABET, ACBSP, AUN-QA thì việc thực hiện đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học khi kết thúc học phần và chương trình đào tạo là một tiêu chí đánh giá quan trọng. Yêu cầu đánh giá này cũng được cụ thể hóa trong thông tư 04/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Việc tiến hành đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học nhằm công khai hóa các mức độ đạt được về năng lực của người học sau khi kết thúc học phần, tạo cơ hội cho người học điều chỉnh lại hoạt động học tập, đồng thời giúp giảng viên ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy học. Nghiên cứu tiến hành phân tích các nghiên cứu trước về đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra cấp độ học phần kết hợp với thực trạng đào tạo học phần theo hình thức trực tuyến tại Đại học Quốc gia Hà Nội, từ đó đề xuất quy trình và hướng dẫn đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra cho học phần đào tạo trực tuyến tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Nghiên cứu cũng đưa ra những khuyến nghị giúp nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Số: /2025 Số CIT: 0 Số lượt xem: 157
Năm học 2024 - 2025, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai dạy học ở các nhà trường từ lớp 1 đến lớp 12. Trong đó, những lớp đầu cấp học đã được dạy qua nhiều năm. Trong quá trình triển khai dạy học theo sách giáo khoa mới, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục được khẳng định nhiều ưu điểm, song bên cạnh đó cũng có những nội dung còn khiến giáo viên băn khoăn và có những ý kiến trái chiều, trong đó có môn Ngữ văn ở cấp Tiểu học. Bài báo trình bày một số kết quả nghiên cứu về rà soát Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn cấp Tiểu học dựa trên việc khảo cứu tài liệu, phỏng vấn online, phỏng vấn trực tiếp các giáo viên và bộ quản lí giáo dục. Đây là một việc làm cần thiết trong quá trình phát triển chương trình để tiếp tục hoàn thiện chương trình và tìm giải pháp đáp ứng mục tiêu đề ra.
Số: /2025 Số CIT: 0 Số lượt xem: 321
Năng lực đánh giá sự phát triển của trẻ là một trong những năng lực nghề nghiệp thuộc chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non. Do đó, xác định năng lực đánh giá sự phát triển của trẻ của sinh viên ngành Giáo dục mầm non là một trong những cơ sở quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non. Bài viết sử dụng phương pháp phân tích tài liệu tổng quan có liên quan đến đánh giá sự phát triển của trẻ và năng lực đánh giá sự phát triển của trẻ của sinh viên. Ngoài ra, phương pháp khảo sát thực trạng bằng bảng hỏi đối với 19 giảng viên dạy các học phần tâm lí trẻ em, giáo dục học mầm non, đánh giá trong giáo dục mầm non và 478 sinh viên năm thứ 3 và thứ 4 của 3 trường Đại học Sư phạm trọng điểm tại Việt Nam (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Huế, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), phương pháp phỏng vấn sâu một số giảng viên và sinh viên. Phân tích dữ liệu cho thấy, thực trạng năng lực đánh giá sự phát triển của trẻ của sinh viên đạt mức độ trung bình. Bên cạnh đó, năng lực đánh giá sự phát triển của trẻ còn có mối tương quan với các yếu tố như số năm học, điểm trung bình và trường mà sinh viên đang theo học. Kết quả của nghiên cứu là cơ sở cho những đề tài tiếp theo xây dựng biện pháp phát triển năng lực đánh giá sự phát triển của trẻ cho sinh viên ngành Giáo dục mầm non.
Số: /2025 Số CIT: 0 Số lượt xem: 295
Trước sự phát triển của xã hội hiện đại, yêu cầu về việc trang bị kĩ năng sống cho học sinh đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Trong đó, năng lực của giáo viên đóng vai trò quan trọng, có tính chất quyết định đến hiệu quả quá trình giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Năng lực giáo dục kĩ năng sống của giáo viên tiểu học bao gồm khả năng thiết kế, tổ chức, hướng dẫn và đánh giá các hoạt động giáo dục kĩ năng sống. Bài viết nghiên cứu một số cấu trúc năng lực giáo dục của giáo viên và phân tích các thành phần năng lực giáo dục kĩ năng sống của giáo viên tiểu học bao gồm: 1) Năng lực nhận diện nội dung giáo dục kĩ năng sống, 2) Năng lực thiết kế các chủ đề giáo dục kĩ năng sống, 3) Năng lực thiết kế kế hoạch hoạt động giáo dục kĩ năng sống, 4) Năng lực thực hiện kế hoạch hoạt động giáo dục kĩ năng sống, 5) Năng lực đánh giá kết quả tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng sống, cấu trúc gồm: kiến thức, kĩ năng và thái độ, trong đó mô tả chi tiết biểu hiện đặc trưng của các thành phần.
Số: /2025 Số CIT: 0 Số lượt xem: 219
Để thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và sinh viên nói riêng - những chủ tương lai của đất nước - sống có lí tưởng, khát vọng cống hiến, việc gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ giáo dục lí tưởng cách mạng với hoạt động giảng dạy một môn học cụ thể là một yêu cầu khách quan và hết sức cần thiết. Do đó, bài viết tập trung bàn về những ưu điểm của bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục lí tưởng cách mạng cho sinh viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay.
Số: /2025 Số CIT: 0 Số lượt xem: 816
Chuyển đổi số đã là nhu cầu khách quan của sự phát triển, đặt ra nhiều yêu cầu mới cho tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực giáo dục được coi là ưu tiên hàng đầu. Chất lượng giảng dạy của giảng viên là một trong những yếu tố quan trọng trong nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần quan trọng trong đổi mới toàn diện giáo dục. Bài viết khảo sát ý kiến của 268 người, trong đó có 40 cán bộ quản lí, 162 nữ và 106 nam ở một số trường đại học công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mẫu được chọn để phỏng vấn bán cấu trúc theo phương pháp thuận tiện, cỡ mẫu là 16 người gồm: 08 cán bộ quản lí và 08 giảng viên tham gia giảng dạy tại các trường đại học. Kết quả cho thấy, đội ngũ giảng viên trong trường đại học ngày một nâng cao về số lượng và năng lực chuyên môn; kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, dưới sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhiều yêu cầu mới về kĩ năng công nghệ, áp dụng công nghệ vào giảng dạy đòi hỏi giảng viên phải có những năng lực thực hiện thích ứng với chuyển đổi số trong giáo dục. Từ thực tiễn đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên trong bối cảnh chuyển đổi số.