Số: /2025
Số CIT: 0
Số lượt xem: 371
Giáo dục đa văn hóa vừa là quan điểm, cách tiếp cận nhân văn, đồng thời cũng là nguyên tắc giáo dục nhằm mang lại cơ hội giáo dục công bằng cho tất cả trẻ em bất kể sự đa dạng về nền văn hóa, tầng lớp xã hội, chủng tộc, tín ngưỡng, ngôn ngữ, giới tính, văn hóa cá nhân và nguồn gốc khác nhau của trẻ. Bài viết tổng quan các nghiên cứu về giáo dục đa văn hóa trong giáo dục mầm non trong giai đoạn từ 2018 - 2024 theo 6 vấn đề: Khái niệm đa văn hóa và giáo dục đa văn hóa trong giáo dục mầm non; Sự cần thiết của giáo dục đa văn hóa; Thang đo giáo dục đa văn hóa; Rào cản và những chiến lược phù hợp để giáo dục đa văn hóa trong giáo dục mầm non. Trên cơ sở nhìn nhận các thách thức trong thực hiện giáo dục đa văn hóa trong giáo dục mầm non, các nghiên cứu đều có điểm chung khi nhấn mạnh sự cần thiết của việc thể hiện các khía cạnh của đa văn hóa vào các thành tố của Chương trình Giáo dục mầm non và quan trọng hơn đó là tích hợp vấn đề này trong toàn bộ phương pháp sư phạm của giáo viên khi thực hiện chương trình, lồng ghép các giá trị đa văn hóa vào đời sống hàng ngày của trẻ em, đồng thời cần củng cố mối quan hệ hợp tác giữa trường mầm non với gia đình để thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục mầm non đa văn hóa. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở để tìm kiếm các giải pháp trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, phát triển Chương trình giáo dục nhằm thúc đẩy giáo dục đa văn hóa trong giáo dục trẻ mầm non.
Số: /2025
Số CIT: 0
Số lượt xem: 248
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 - Chương trình tổng thể đã xác định và xây dựng yêu cầu cần đạt cho 5 phẩm chất chủ yếu, 3 năng lực chung; chương trình các môn học đã xác định và xây dựng yêu cầu cần đạt cho các năng lực đặc thù. Vậy, nội dung chương trình các môn học nói chung, môn Đạo đức nói riêng đáp ứng như thế nào với các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù? Nghiên cứu sự đáp ứng của nội dung chương trình môn học với các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù là việc làm cần thiết giúp phát triển và hoàn thiện Chương trình Giáo dục phổ thông. Bằng phương pháp hồi cứu tư liệu, rà soát yêu cầu cần đạt của chương trình môn học với các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực, kết hợp với phương pháp chuyên gia, bài viết trình bày sự đáp ứng của nội dung Chương trình môn Đạo đức cấp Tiểu học với các yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu, năng lực chung trong Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể và năng lực đặc thù trong chương trình môn học, từ đó đề xuất điều chỉnh/bổ sung một số yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù và bổ sung một số yêu cầu cần đạt trong Chương trình môn Đạo đức cấp Tiểu học cho phù hợp hơn với các phẩm chất và năng lực.
Số: /2025
Số CIT: 0
Số lượt xem: 266
Phương pháp dạy học có ứng dụng công nghệ hiện đại đã và đang mang lại hiệu quả cao. Bài giảng điện tử với các hình ảnh, âm thanh sống động, thu hút được sự chú ý và hứng thú của học viên. Bài viết đề cập đến việc thiết kế bài giảng điện tử để tổ chức hoạt động học tích cực của học viên trong dạy học tiếng Nga. Mỗi hoạt động bao gồm 4 bước: 1) Giảng viên chuyển giao nhiệm vụ; 2) Học viên thực hiện nhiệm vụ; 3) Học viên báo cáo kết quả, thảo luận; 4) Giảng viên kết luận, nhận định kết quả và chuyển giao nhiệm vụ kế tiếp. Với việc sử dụng bài giảng điện tử được thiết kế, giảng viên và học viên có nhiều thời gian tương tác, học viên tiếp nhận kiến thức nhanh hơn, phát triển tốt các kĩ năng, giờ học trở nên sống động, đạt hiệu quả cao hơn.
Số: /2025
Số CIT: 0
Số lượt xem: 440
Dựa trên kết quả của các phương pháp nghiên cứu lí luận như phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa, khái quát hóa các công trình của các tác giả trên thế giới và trong nước về chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong giáo dục đại học nói riêng, bài viết trình bày khái niệm, phân tích bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học, vai trò của đội ngũ giảng viên đại học trong bối cảnh chuyển đổi số. Từ đó, xác định một số phẩm chất và năng lực cần thiết đối với giảng viên đại học để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số. Những vấn đề lí luận trình bày trong bài viết có thể là nguồn tài liệu tham khảo cho những người quan tâm nghiên cứu vấn đề, cũng có thể vận dụng trong xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đại học đáp ứng yêu cầu của bối cảnh chuyển đổi số.
Số: /2025
Số CIT: 0
Số lượt xem: 324
Năng lực đánh giá sự phát triển của trẻ là một trong những năng lực nghề nghiệp thuộc chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non. Do đó, xác định năng lực đánh giá sự phát triển của trẻ của sinh viên ngành Giáo dục mầm non là một trong những cơ sở quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non. Bài viết sử dụng phương pháp phân tích tài liệu tổng quan có liên quan đến đánh giá sự phát triển của trẻ và năng lực đánh giá sự phát triển của trẻ của sinh viên. Ngoài ra, phương pháp khảo sát thực trạng bằng bảng hỏi đối với 19 giảng viên dạy các học phần tâm lí trẻ em, giáo dục học mầm non, đánh giá trong giáo dục mầm non và 478 sinh viên năm thứ 3 và thứ 4 của 3 trường Đại học Sư phạm trọng điểm tại Việt Nam (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Huế, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), phương pháp phỏng vấn sâu một số giảng viên và sinh viên. Phân tích dữ liệu cho thấy, thực trạng năng lực đánh giá sự phát triển của trẻ của sinh viên đạt mức độ trung bình. Bên cạnh đó, năng lực đánh giá sự phát triển của trẻ còn có mối tương quan với các yếu tố như số năm học, điểm trung bình và trường mà sinh viên đang theo học. Kết quả của nghiên cứu là cơ sở cho những đề tài tiếp theo xây dựng biện pháp phát triển năng lực đánh giá sự phát triển của trẻ cho sinh viên ngành Giáo dục mầm non.
Số: /2025
Số CIT: 0
Số lượt xem: 295
Trước sự phát triển của xã hội hiện đại, yêu cầu về việc trang bị kĩ năng sống cho học sinh đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Trong đó, năng lực của giáo viên đóng vai trò quan trọng, có tính chất quyết định đến hiệu quả quá trình giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Năng lực giáo dục kĩ năng sống của giáo viên tiểu học bao gồm khả năng thiết kế, tổ chức, hướng dẫn và đánh giá các hoạt động giáo dục kĩ năng sống. Bài viết nghiên cứu một số cấu trúc năng lực giáo dục của giáo viên và phân tích các thành phần năng lực giáo dục kĩ năng sống của giáo viên tiểu học bao gồm: 1) Năng lực nhận diện nội dung giáo dục kĩ năng sống, 2) Năng lực thiết kế các chủ đề giáo dục kĩ năng sống, 3) Năng lực thiết kế kế hoạch hoạt động giáo dục kĩ năng sống, 4) Năng lực thực hiện kế hoạch hoạt động giáo dục kĩ năng sống, 5) Năng lực đánh giá kết quả tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng sống, cấu trúc gồm: kiến thức, kĩ năng và thái độ, trong đó mô tả chi tiết biểu hiện đặc trưng của các thành phần.
Số: /2025
Số CIT: 0
Số lượt xem: 220
Để thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và sinh viên nói riêng - những chủ tương lai của đất nước - sống có lí tưởng, khát vọng cống hiến, việc gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ giáo dục lí tưởng cách mạng với hoạt động giảng dạy một môn học cụ thể là một yêu cầu khách quan và hết sức cần thiết. Do đó, bài viết tập trung bàn về những ưu điểm của bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục lí tưởng cách mạng cho sinh viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay.
Số: /2025
Số CIT: 0
Số lượt xem: 817
Chuyển đổi số đã là nhu cầu khách quan của sự phát triển, đặt ra nhiều yêu cầu mới cho tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực giáo dục được coi là ưu tiên hàng đầu. Chất lượng giảng dạy của giảng viên là một trong những yếu tố quan trọng trong nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần quan trọng trong đổi mới toàn diện giáo dục. Bài viết khảo sát ý kiến của 268 người, trong đó có 40 cán bộ quản lí, 162 nữ và 106 nam ở một số trường đại học công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mẫu được chọn để phỏng vấn bán cấu trúc theo phương pháp thuận tiện, cỡ mẫu là 16 người gồm: 08 cán bộ quản lí và 08 giảng viên tham gia giảng dạy tại các trường đại học. Kết quả cho thấy, đội ngũ giảng viên trong trường đại học ngày một nâng cao về số lượng và năng lực chuyên môn; kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, dưới sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhiều yêu cầu mới về kĩ năng công nghệ, áp dụng công nghệ vào giảng dạy đòi hỏi giảng viên phải có những năng lực thực hiện thích ứng với chuyển đổi số trong giáo dục. Từ thực tiễn đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên trong bối cảnh chuyển đổi số.
Số: /2025
Số CIT: 0
Số lượt xem: 432
Trong quá trình giáo dục trẻ em, việc kích thích tư duy và trí tò mò của trẻ 5 - 6 tuổi, giai đoạn trẻ bắt đầu phát triển mạnh mẽ về nhận thức và khả năng sáng tạo là vô cùng quan trọng. Nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của học tập qua dự án trong kích thích tư duy và trí tò mò của trẻ 5 - 6 tuổi. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính mô tả với trọng tâm là quan sát, phân tích việc thực hiện các hoạt động học tập qua dự án ở một số trường mầm non tại Hà Nội. Dữ liệu thu được cho thấy, việc áp dụng cách tiếp cận học tập qua dự án trong tổ chức các hoạt động giáo dục có hiệu quả tích cực trong việc kích thích tư duy và trí tò mò của trẻ 5 - 6 tuổi. Không những thế, trẻ còn có tiến bộ trong kĩ năng thuyết trình, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tưởng tượng, sáng tạo, khả năng thể hiện sự hiểu biết bằng nhiều cách khác nhau khi tham gia tích cực vào các hoạt động trong dự án. Những phát hiện của nghiên cứu đóng góp quan trọng vào việc áp dụng cách tiếp cận học tập qua dự án ở lứa tuổi mầm non, cung cấp hướng dẫn thực tế cho giáo viên mầm non trong việc tổ chức có hiệu quả dự án học tập cho trẻ.
Số: /2025
Số CIT: 0
Số lượt xem: 261
Mô hình giáo dục STEM và mô hình giáo dục STSE là hai mô hình dạy học tích hợp nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn, khoa học, kĩ thuật, xã hội và môi trường. Đây đang là các mô hình dạy học hiệu quả và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Bài viết trình bày khái quát về mô hình STSE và STEM trải nghiệm, từ đó đề xuất quy trình thiết kế kế hoạch bài dạy theo mô hình kết hợp STEM và STSE. Bài báo chọn chủ đề “Chưng cất rượu” trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Khoa học tự nhiên để minh họa. Sự kết hợp hai mô hình này cùng với các bước tổ chức thực hiện theo hướng dẫn thiết kế kế hoạch bài dạy trong Công văn 5512 sẽ hỗ trợ, bổ sung giúp giáo viên tăng cường hiệu quả trong việc phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Bên cạnh đó, sự kết hợp này cũng giúp giáo viên giáo dục được học sinh ý thức trách nhiệm cá nhân trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường liên quan tới chủ đề bài học.