Danh sách bài viết

Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,206
Bài toán có bối cảnh thực là các bài toán Toán học chứa đựng tình huống có bối cảnh thực. Việc giải quyết các bài toán này không chỉ nhằm hình thành, củng cố tri thức, kĩ năng cho học sinh trong quá trình dạy học mà còn hình thành cho các em năng lực ứng dụng Toán học vào thực tiễn, giúp cho họ hiểu được ý nghĩa của Toán học với cuộc sống. Ngoài ra, bài toán có bối cảnh thực cũng có vai trò to lớn trong việc phát triển năng lực trí tuệ cho học sinh nên trong các bộ sách giáo khoa toán mới đều chứa một số lượng khá lớn các bài toán có bối cảnh thực. Do vậy, việc giúp cho học sinh có được kĩ năng để giải quyết các bài tập này là vấn đề quan trọng. Dựa trên việc phân tích và tổng hợp các tài liệu, nghiên cứu này sẽ đề xuất các bước để giúp học sinh rèn được kĩ năng để giải quyết các bài toán này.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,519
Đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn ở trường trung học phổ thông theo hướng phát triển năng lực học sinh có mối quan hệ mật thiết với quá trình tổ chức dạy học môn học và đặc biệt là phụ thuộc vào năng lực thiết kế và sử dụng phương pháp, công cụ đánh giá kết quả học tập môn học của giáo viên dạy Ngữ văn. Chương trình dạy học môn Ngữ văn (theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018) là chương trình dạy học phát triển năng lực học sinh. Do đó, đánh giá kết quả học tập học sinh cần căn cứ trên mục tiêu và yêu cầu cần đạt về năng lực học sinh để xác định mức độ năng lực hiện có của học sinh, từ đó điều chỉnh và định hướng cho hoạt động dạy học môn học ở những giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả cao. Qua nghiên cứu thực tiễn các trường trung học phổ thông tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, bài viết đưa ra những kết luận và kiến nghị về thực hiện đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn ở trường trung học phổ thông theo phát triển năng lực học sinh trong bối cảnh hiện nay.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 2,014
Hưởng ứng sáng kiến của Liên Hợp quốc về Thập kỉ Giáo dục phát triển bền vững (2005-2014), Việt Nam đã có những bước đi cụ thể, trong đó coi giáo dục là con đường hữu hiệu nhất để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Để làm được điều đó, các nội dung của giáo dục vì sự phát triển bền vững phải được tích hợp vào chương trình đào tạo bậc Đại học và ở trường phổ thông. Tuy nhiên, vấn đề này gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Do đó, để có cơ sở cho xây dựng khung lí thuyết về tích hợp giáo dục vì sự phát triển bền vững trong dạy học các môn học và hoạt động giáo dục của giáo viên phổ thông, nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi cứu, phân tích tài liệu để hệ thống hóa, phân tích, tổng hợp, so sánh, rút ra kết luận từ các công trình nghiên cứu về tích hợp giáo dục vì sự phát triển bền vững trong đào tạo giáo viên và trong dạy học ở trường phổ thông trên thế giới và Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa tham khảo về mặt lí luận cho lãnh đạo và cán bộ quản lí các trường đại học sư phạm, giảng viên, các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lí trường học, giáo viên trường phổ thông và là tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo về công tác quản lí tích hợp giáo dục vì sự phát triển bền vững trong dạy học ở trường phổ thông đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và mục tiêu của giáo dục vì sự phát triển bền vững toàn cầu.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,013
Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục là một trong những năng lực quan trọng giúp giáo viên thực hiện hiệu quả hoạt động dạy học và giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề này chưa thực sự được quan tâm nghiên cứu một cách đúng mức. Thực tiễn cho thấy năng lực này của giáo viên chưa đáp ứng được những yêu cầu của bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay nên phải có những biện pháp cụ thể để phát triển năng lực tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục cho đội ngũ giáo viên. Bài viết này xác định một số nguyên tắc bao gồm: 1/ Đảm bảo tính mục tiêu; 2/ Đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực; 3/ Đảm bảo tính khoa học, cập nhật và khả thi. Đồng thời, các biện pháp cụ thể phát triển năng lực tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục của giáo viên được đề xuất là: 1/ Xây dựng chuẩn năng lực tư vấn và hỗ trợ học sinh của giáo viên đáp ứng yêu cầu hiện nay; 2/ Xây dựng các mô hình hoạt động tư vấn và hỗ trợ cho học sinh của giáo viên trong hoạt động giáo dục ở nhà trường; 3/ Xây dựng các quy định về trách nhiệm, quyền hạn, chế độ cho giáo viên thực hiện công tác tư vấn và hỗ trợ học sinh; 4/ Tăng cường quản lí việc kiểm tra, đánh giá hoạt động tư vấn và hỗ trợ học sinh của giáo viên; 5/ Phối hợp với các lực lượng giáo dục khác trong việc thực hiện các hoạt động tư vấn và hỗ trợ cho học sinh của giáo viên.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 429
Tư duy máy tính đã và đang được nghiên cứu bởi nhiều nhà khoa học giáo dục trên thế giới và là một trong những mục tiêu giáo dục của nhiều quốc gia. Chương trình môn Tin học 2018 của Việt Nam cũng xác định cần phát triển tư duy máy tính cho học sinh, trong đó tư duy phân rã công việc là một thành tố quan trọng của tư duy máy tính. Bài viết phân tích về tư duy phân rã công việc, làm rõ hơn về cơ sở tâm lí học nhận thức của tư duy này cũng như cơ hội phát triển nó trong môn Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất định hướng và các biện pháp dạy học Tin học nhằm phát triển tư duy phân rã công việc cho học sinh trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 473
Bài viết trình bày thực trạng bắt nạt giữa học sinh và học sinh, giữa các đối tượng ngoài trường học với học sinh của trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú ở các cấp học của một số địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Bài viết đưa ra những nhận định về hình thức, mức độ hành vi bắt nạt học sinh và nhìn nhận của nhà trường về vấn đề học sinh bị bắt nạt đang diễn ra với học sinh người dân tộc thiểu số. Từ đó, tác giả đề xuất một số biện pháp cho nhà trường như xây dựng môi trường giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, cụ thể hóa quy tắc ứng xử trong nhà trường, tăng cường phối hợp với các đoàn thể ở địa phương với học sinh như phát triển kĩ năng sống, xây dựng môi quan hệ tốt đẹp với bạn bè, tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết, tham gia các hoạt động của nhà trường, xã hội nhằm giảm thiểu tình trạng bắt nạt học sinh ở trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 514
Nghiên cứu xây dựng Chuẩn đánh giá năng lực học sinh nói chung và xây dựng Chuẩn đánh giá năng lực học sinh trong môn Lịch sử nói riêng đang là nhiệm vụ cần thiết góp phần triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Xây dựng Chuẩn đánh giá năng lực học sinh là quá trình cần được thực hiện một cách đồng bộ ở tất cả các môn học, cấp học. Bài viết đề cập đến một số khái niệm Chuẩn, đặc điểm của môn Lịch sử ở cấp Trung học phổ thông và quy trình xây dựng Chuẩn đánh giá năng lực học sinh. Trên cơ sở quy trình đánh giá năng lực được xây dựng, nhóm tác giả đưa ra dẫn chứng minh họa Chuẩn thông qua ví dụ cụ thể về việc kết nối yêu cầu cần đạt với các thành phần năng lực và ví dụ về Chuẩn đánh giá năng lực học sinh trong môn Lịch sử lớp 10. Nội dung bài viết là kênh tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu và giáo viên khi xây dựng, thiết kế nội dung giáo dục, đánh giá năng lực học sinh theo chuẩn.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 560
Tư vấn tâm lí học đường cho học sinh trong các lĩnh vực liên quan đến trường học đang trở thành vấn đề cấp bách mà nhà trường và xã hội quan tâm. Nhu cầu tư vấn tâm lí học đường được thể hiện rõ hơn trong mối quan hệ của học sinh với cha mẹ, bạn bè và thầy cô. Với tình hình hiện nay, dịch vụ tư vấn tâm lí học đường rất cần thiết cho học sinh. Quản lí tốt hoạt động tư vấn tâm lí học đường cho học sinh sẽ giúp giáo viên và học sinh hiểu rõ hơn những vấn đề liên quan đến việc giáo dục, phát triển nhân cách của các em, giúp đỡ, hỗ trợ và hướng dẫn các em phát triển phù hợp, lành mạnh để hiểu bản thân và người khác hơn. Để thực hiện mục tiêu đó, nhà trường phổ thông có thể thông qua nhiều biện pháp, trong đó, đổi mới tổ chức hoạt động tư vấn tâm lí học đường cho học sinh được xem là cấp thiết. Bài viết đề cập đến thực trạng quản lí hoạt động tư vấn tâm lí học đường, qua đó đề xuất biện pháp đổi mới trong tổ chức cũng như quản lí hoạt động tư vấn tâm lí học đường cho học sinh trong quản lí giáo dục ở trường trung học phổ thông.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 664
Trên cơ sở kế thừa và phát triển kết quả nghiên cứu đi trước, bài viết đưa ra định nghĩa về năng lực thích ứng, đồng thời xây dựng khung lí thuyết cho công cụ đánh giá năng lực thích ứng của giáo viên với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bộ công cụ gồm 4 tiêu chí, 46 chỉ báo tập trung vào các khía cạnh thích ứng: Sẵn sàng thích ứng, nguồn lực thích ứng, phản ứng thích ứng và kết quả thích ứng. Kết quả thử nghiệm độ tin cậy cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha chung đạt được của từng tiêu chí nằm trong giới hạn cho phép từ 0,6 đến 0,9; hệ số tương quan biến - tổng (Corrected Item-Total Correlation) của từng tiêu chí đạt được lớn hơn 0,3. Điều đó có nghĩa là, các biến quan sát của từng tiêu chí có sự tương quan với nhau. Cronbach’s Alpha nếu loại biến (Cronbach’s Alpha if Item Deleted) của 4 tiêu chí đều thấp hơn Cronbach’s Alpha chung và nằm trong giới hạn cho phép từ 0,6 đến 0,9. Kết quả kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha cho phép chúng tôi khẳng định độ tin cậy của các tiêu chí đo.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 789
Năng lực dữ liệu về người học của giáo viên trong môi trường sư phạm đang dần hình thành và được đặt ra nhằm đánh giá chính xác sự phát triển của học sinh, từ đó đưa ra những hoạt động dạy học phù hợp với đối tượng, đáp ứng mục tiêu và nhiệm vụ giáo dục. Thông qua các tài liệu liên quan về đối tượng dạy học, giáo viên phải có khả năng thu thập, xử lí chúng để tạo ra dữ liệu về người học, từ đó thấy rõ hơn việc học và thực trạng của người học. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu về lĩnh vực này còn rời rạc, ít biết đến và chưa được chú trọng một cách hợp lí. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi nghiên cứu, xem xét và đánh giá một cách có hệ thống các kết quả công bố trên thế giới liên quan đến năng lực dữ liệu của giáo viên trong vòng hai thập kỉ qua. Từ đó, đưa ra những vấn đề cần thiết về năng lực dữ liệu người học của giáo viên, đồng thời chỉ ra những định hướng nghiên cứu rõ hơn về lĩnh vực này và vận dụng trong bối cảnh giáo dục ở Việt Nam.