Danh sách bài viết

Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 372
Quyền Trẻ em được quy định trong Công ước Liên Hợp quốc về Quyền Trẻ em. Đó là tất cả những gì pháp luật đã thừa nhận để trẻ em được sống, lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Các nghiên cứu về Quyền Trẻ em đều có chung cách nhìn nhận rằng, Quyền Trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận thụ động việc thực hiện quyền từ người lớn mà các em là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển của chính mình trong việc thực hiện quyền đối với các trẻ em khác. Để đạt được điều đó, Quyền Trẻ em và giáo dục Quyền Trẻ em là vấn đề được thực thi trước hết trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ngay trong mỗi gia đình, cộng đồng xã hội và khi đến lớp. Nó phải được tiếp tục thể hiện trong Chương trình giáo dục ở cả cấp độ quốc gia và nhà trường. Dựa trên việc nghiên cứu tài liệu về bộ công cụ giáo dục Quyền Trẻ em, bài viết trình bày kết quả rà soát việc thể hiện giáo dục Quyền Trẻ em trong Chương trình Giáo dục mầm non hiện hành của Việt Nam. Kết quả cho thấy một số khía cạnh của Quyền Trẻ em đã được thể hiện trong Chương trình. Thông tin từ bài viết có thể hỗ trợ cho việc thể hiện vấn đề giáo dục Quyền Trẻ em một cách rõ nét và toàn diện hơn nữa trong Chương trình Giáo dục mầm non mới.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 370
Trong những năm gần đây, Việt Nam đang đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc thực hiện cam kết Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bài viết phân tích, tổng hợp lí thuyết về đánh giá chất lượng giáo dục mầm non theo mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4) và kinh nghiệm thực tiễn về đánh giá chất lượng giáo dục mầm non tại các quốc gia Úc, Singapore, Phần Lan và Hoa Kì để tìm kiếm những bài học kinh nghiệm từ việc ban hành chính sách đến xác định nội dung, tiêu chí chỉ số, quy trình, phương thức đánh giá, phân tích và sử dụng kết quả đánh giá chất lượng giáo dục mầm non, những thách thức, rào cản và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình đánh giá chất lượng giáo dục mầm non theo SDG4. Dựa trên các kết quả phân tích, bài viết đưa ra khuyến nghị đối với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị quản lí giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục mầm non về việc thực hiện, giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục mầm non theo SDG4 tại Việt Nam và các địa phương.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 637
Bài viết trình bày kết quả khảo sát công tác quản lí giáo dục phòng chống tai nạn thương tích ở các trường tiểu học tại tỉnh Bình Dương. Nghiên cứu này chủ yếu sử dụng phương pháp định lượng. Dữ liệu được thu thập từ mẫu khảo sát với 306 cán bộ quản lí, giáo viên tại các trường tiểu học ở tỉnh Bình Dương năm 2022. Kết quả cho thấy, các nhân tố: Lập kế hoạch giáo dục phòng chống; tổ chức giáo dục phòng chống; chỉ đạo giáo dục phòng chống; kiểm tra giáo dục phòng chống; kết quả ứng phó tai nạn thương tích có mối tương quan dương với nhau trong quản lí phòng chống tai nạn thương tích tại các trường tiểu học. Trong các yếu tố trên, hai yếu tố chỉ đạo giáo dục phòng chống và tổ chức giáo dục phòng chống có ảnh hưởng tích cực đến kết quả ứng phó tai nạn thương tích ở các trường tiểu học này.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 2,058
Hiện nay, các trường tiểu học đang thực hiện dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) ở các lớp 1, 2, 3, 4. Yêu cầu đánh giá kết quả giáo dục theo Chương trình 2018 đang được đặt ra, nhằm xác định mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập, đồng thời cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời để có những điều chỉnh hợp lí các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, đáp ứng mục tiêu giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm tiếp theo. Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn đã định hướng căn cứ để đánh giá mức độ phát triển hai năng lực đặc thù của môn học (năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học) của học sinh là các yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học được quy định trong chương trình. Ở cấp Tiểu học, để đánh giá năng lực học sinh qua các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe trong môn Tiếng Việt, cần xây dựng Chuẩn đánh giá cho từng kĩ năng ở mỗi lớp học. Bài viết này đã phân tích yêu cầu cần đạt về kĩ năng viết nêu trong chương trình, từ đó đưa ra định hướng xây dựng Chuẩn đánh giá kĩ năng viết theo các mức kết quả đạt được của học sinh.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 707
Mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Toán 2018 đã nhấn mạnh việc hướng học sinh đến khả năng vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Do đó, để góp phần thực hiện mục tiêu đó, giáo viên cần chú trọng đến năng lực mô hình hóa Toán học cho học sinh. Bài viết trình bày những khái niệm cơ bản về mô hình hóa Toán học và năng lực mô hình hóa Toán học. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất một số biện pháp sư phạm để bồi dưỡng năng lực mô hình hóa Toán học cho học sinh trong dạy học chủ đề Phương trình lượng giác ở lớp 11, giúp giáo viên dễ dàng hơn trong việc xây dựng các hoạt động để bồi dưỡng cho học sinh năng lực mô hình hóa Toán học.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 406
Bài viết trình bày cách thức vận dụng mô hình học tập trải nghiệm của David A. Kolb vào thiết kế các hoạt động học tập trải nghiệm trong dạy học học phần Đánh giá trong giáo dục mầm non cho sinh viên ngành Giáo dục mầm non trình độ Đại học. Đánh giá trong giáo dục mầm non là một học phần nghề nghiệp bắt buộc trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non. Sinh viên sau khi học xong học phần không chỉ phát triển các năng lực chung mà còn phát triển năng lực chuyên môn và năng lực nghề nghiệp. Trên cơ sở chuẩn đầu ra học phần, mục tiêu, nội dung môn học, giảng viên lựa chọn nội dung phù hợp trong môn học để thiết kế hoạt động học tập trải nghiệm theo chu trình bốn bước của Kolb. Ngoài ra, bài viết cũng đưa ra một ví dụ cho việc vận dụng mô hình học tập trải nghiệm vào thiết kế các hoạt động cho một nội dung cụ thể trong học phần.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 700
Thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non theo hướng tiếp cận lấy trẻ làm trung tâm, hướng đến nhu cầu, hứng thú của trẻ ngày càng được chú trọng và là tiêu chí quan trọng của chất lượng giáo dục mầm non. Giai đoạn những năm cuối thế kỉ XX, xu hướng trong thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non theo tiếp cận lấy trẻ làm trung tâm tập trung vào quan sát trẻ, lớp học đa độ tuổi, đa văn hóa đã dần cho thấy hiệu quả. Trong giai đoạn hiện nay, xu hướng này dịch chuyển sang học tập sáng tạo với thiên nhiên; sử dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động; giảm khoảng cách về thành tích của trẻ... Bài viết tập trung phân tích một số điểm mới của các xu hướng này trong thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị cho triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non ở Việt Nam hiện nay.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 552
Đánh giá thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non là một khâu quan trọng trong quá trình hướng dẫn, chỉ đạo và thực thi Chương trình Giáo dục mầm non, cần phải được triển khai để kịp thời điều chỉnh việc thực hiện chương trình. Tại một số quốc gia trên thế giới như: Mĩ, Nhật, New Zealand, Australia, Nga…, việc đánh giá thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non dựa trên các tiêu chí hoặc các gợi ý có tính định hướng. Ở Việt Nam, có rất ít tác giả và tài liệu nghiên cứu sâu về vấn đề này, do vậy cũng gặp khó khăn cho việc đánh giá hiệu quả thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non. Chúng tôi muốn đề cập đến kinh nghiệm quốc tế của các quốc gia nêu trên về việc đánh giá thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 447
Thực tập sư phạm là hoạt động quan trọng trong đào tạo giáo viên, thông qua hoạt động thực tập sư phạm sinh viên thực hành các hoạt động giáo dục và dạy học nhằm phát triển tri thức chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp, nâng cao nhận thức về giá trị nghề nghiệp, tôi luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, có khả năng thích ứng với môi trường giáo dục trong thực tiễn hiệu quả. Tác giả bài viết nghiên cứu làm rõ một số vấn đề lí luận về thực tập sư phạm, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và yêu cầu đặt ra đối với đổi mới thực tập sư phạm. Trên cơ sở làm rõ một số vấn đề về thực trạng thực tập sư phạm, bài viết đề xuất một số giải pháp cơ bản đổi mới thực tập sư phạm ở Trường Đại học Quy Nhơn đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiện nay
Số: /2024 Số CIT: 0 Số lượt xem: 1,269
Năng lực chuyên môn của giáo viên tiểu học là vấn đề được quan tâm nghiên cứu, luận bàn ở nhiều khía cạnh khác nhau. Phần lớn các nghiên cứu trên thế giới và nước ta đều đề ra những yêu cầu về năng lực chuyên môn cho giáo viên tập trung vào việc dạy học và giáo dục học sinh. Đã có những nghiên cứu về khung năng lực chuyên môn cho giáo viên ở bậc học phổ thông. Đây là nguồn tư liệu phong phú để tác giả tham khảo và đề xuất khung năng lực chuyên môn cho giáo viên tiểu học. Bài viết phân tích tổng quan, trình bày cơ sở khoa học về xây dựng khung năng lực chuyên môn cho giáo viên tiểu học và đề xuất xây dựng khung năng lực chuyên môn cho giáo viên tiểu học giai đoạn hiện nay gồm các năng lực thành phần và biểu hiện tương ứng. Khung năng lực chuyên môn cho giáo viên tiểu học là điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt việc dạy học và giáo dục theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đồng thời dùng tham khảo cho tổ chức các hoạt động phát triển năng lực chuyên môn cho giáo viên tiểu học.